Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 21 giờ tối ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 330km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 61km/h), giật cấp 9.
Ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Hồi 9 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 90km về phía Đông; cách Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 11.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/19/hop-bao-4-20240919101731539.jpg)
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì buổi làm việc
Dự báo ngày và đêm 19/9, các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6 - 7, sóng biển cao 2 - 4m. Vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3 - 5m, biển động mạnh.
Trên đất liền, khu vực ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 8. Đến đêm 19/9, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió mạnh 6 - 7, gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10 (trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6 - 7.
Dự báo đêm 19/9, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm, có nơi trên 500mm, gây nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cao. Trọng tâm mưa là khu vực các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Các địa phương cần đề phòng mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn.
Vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ) sẽ chịu tác động của tổ hợp triều cao, nước dâng do bão và sóng lớn nên nguy cơ ngập ở vùng trũng/thấp ven biển, ven sông, khu neo đậu tàu/thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và sạt lở bờ biển. Trên các sông ở khu vực Trung Bộ nhiều khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại vùng trũng thấp ven sông, đô thị, thành phố và các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam.
Do đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất tại 80 xã, phường đến thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương khu vực Trung Bộ. Nhiều khả năng các điểm nguy cơ sạt lở sẽ còn tăng lên theo diễn biến thiên tai thời gian tới.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, trong 2 tuần qua đã liên tục xảy ra các cơn bão mạnh ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Điều này thể hiện tác động của biến đổi khí hậu trong năm 2024 là hết sức khắc nghiệt, sâu rộng, đúng như cảnh báo của Tổ chức Khí tượng thế giới. Vì vậy, cơ quan khí tượng thủy văn của Việt Nam cần hết sức lưu ý công tác cảnh báo thiên tai trong những tháng cuối năm.
Đối với cơn bão số 4, Thứ trưởng lưu ý các địa phương, cơ quan dự bảo khí tượng cần tránh tâm lý chủ quan. Công tác dự báo, truyền thông tới cơ quan phòng chống thiên tai và cộng đồng cần mở rộng ra những tác động của mưa lớn, dông, lốc trong vùng mây hoàn lưu bão. Bên cạnh đó, cần hết sức cẩn trọng vì bão có thể đổi hướng do quỹ đạo di chuyển của cơn bão lần này khá phức tạp.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần rà soát những hồ chứa xung yếu ở vùng dự báo mưa lớn. Tổng cục Khí tượng thủy văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp bản tin thường xuyên cho địa phương để có thể chủ động thông tin rộng rãi đến từng người dân. Đặc biệt cần cảnh báo cụ thể cho địa phương về tình trạng ngập úng đô thị có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Tổng cục cũng cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hết sức lưu ý và cảnh báo về mưa, sạt lở, lũ quét ở khu vực Tây Nguyên và lũ ở sông Mê Kông, tránh tình trạng thiên tai chồng thiên tai.