Đầu năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị định 56 tập trung vào các quy định chung về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực và Nghị định 58 tập trung vào các cơ chế khuyến khích cụ thể cho từng loại hình năng lượng sạch.
Cả hai nghị định đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng sạch thông qua hình thành hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các hoạt động đầu tư; đồng thời đưa ra những mục tiêu, định hướng cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đặc biệt, trước thực tế chi phí điện năng ngày càng tăng, việc tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm điện, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Quang cảnh tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, khi sử dụng năng lượng sạch, trong đó có điện mặt trời mái nhà, người dân và doanh nghiệp có thể tự cung cấp một phần điện cho chính mình. Điều này giúp ngành điện giảm áp lực huy động các nguồn điện có giá thành cao, mang lại lợi ích cho toàn hệ thống và góp phần giảm áp lực lên giá điện.
Với người dân có mức tiêu thụ từ 401 kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Trường hợp sử dụng điện mặt trời mái nhà có thể giảm đáng kể hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Tương tự đối với doanh nghiệp, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ giúp họ lập tức giảm chi phí mua điện. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, khi hệ thống điện chịu nhiều áp lực thì hệ thống điện mặt trời mái nhà lại phát ở mức tối ưu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí điện năng trong dài hạn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Nghị định 56 và 58. Trong đó, Nghị định 58 cho phép người dân và doanh nghiệp được bán lại phần điện dư với khoảng 10 – 20% cho ngành điện với mức giá phù hợp. Quy định này giúp bù đắp một phần chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.
Trước đây, các văn bản pháp lý chưa quy định rõ ràng về việc này, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó khăn trong triển khai. Vì vậy, khi có Nghị định 58, các rào cản pháp lý đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào năng lượng sạch.
Thông tin tại tọa đàm, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, liên quan đến dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nội dung của dự thảo bám sát theo bốn nhóm chính sách sửa đổi.
Chính sách thứ nhất tập trung vào việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chính sách thứ hai đề cập đến công tác quản lý và phát triển các dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, cũng như đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Chính sách thứ ba quy định về các chính sách ưu đãi và công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chính sách thứ tư hướng tới việc chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất của các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Đây là bốn điểm mấu chốt giúp tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, thúc đẩy hiệu quả hơn việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và tối ưu hóa hệ thống điện.

Chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Về vấn đề điện mặt trời mái nhà, thực tế cho thấy sản lượng phát điện không ổn định và thay đổi theo điều kiện thời tiết. Trong những ngày nắng gắt, sản lượng tăng cao khiến doanh nghiệp có thể không sử dụng hết, trong khi những ngày mây mù, mưa nhiều thì sản lượng lại rất thấp. Do đó, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, cần có phương án sử dụng nguồn điện dự phòng, thường là thông qua kết nối với lưới điện quốc gia.
Theo ông Hà Đăng Sơn, hiện nay, lượng điện dư thừa từ hệ thống mặt trời mái nhà chỉ được phép bán ra ở mức 10 – 20% tổng công suất. Vì vậy, cần xem xét việc nâng mức bán điện vượt ngưỡng 20% để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng sạch. Một giải pháp có thể là doanh nghiệp phối hợp với ngành điện lực, trả thêm chi phí vận hành công suất dưới hình thức thuê bao, cho phép ngành điện vận hành công suất dự phòng và doanh nghiệp được bán phần điện dư nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cần áp dụng cơ chế bán điện hai thành phần, phân biệt rõ giữa giờ cao điểm và giờ thông thường thay vì áp dụng giá đồng nhất. Việc thành lập quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió cũng sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần có cơ chế và chế tài cụ thể trong việc hỗ trợ vay vốn để triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.