Quý I/2025, năng lượng tái tạo chiếm 16% tổng sản lượng điện toàn hệ thống

Trong quý I/2025, năng lượng tái tạo chiếm 16% tổng sản lượng điện toàn hệ thống
Theo thông tin mới từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 3 đạt 27,1 tỷ kWh. Lũy kế quý I năm 2025, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 72,2 tỷ kWh. Tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong quý I năm 2025 như sau:
Thủy điện: 13,8 tỷ kWh, chiếm 19,1%.
Nhiệt điện than: đạt 40,8 tỷ kWh, chiếm 56,5%.
Tuabin khí: 4,6 tỷ kWh, chiếm 6,4%.
Năng lượng tái tạo: 11,51 tỷ kWh, chiếm 16% (trong đó điện mặt trời đạt 6,69 tỷ kWh, điện gió đạt 4,45 tỷ kWh).
Điện nhập khẩu: 1,33 tỷ kWh, chiếm 1,8%.
Sản lượng điện truyền tải 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 57,4 tỷ kWh.
Chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển năng lượng tái tạo
Mới đây, tại Hà Nội, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới số liệu quá khứ và dự báo năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cũng như nghiên cứu chuyển giao và đào tạo, tập huấn phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ở Việt Nam.

Lễ ký kết biên bản hợp tác
Phát biểu tại lễ ký kết, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền kỳ vọng việc tăng cường hợp tác giữa ngành điện và ngành khí tượng thủy văn sẽ giúp đảm bảo tính chính xác, kịp thời của các dự báo về nguồn năng lượng tái tạo, từ đó hỗ trợ EVN trong công tác điều hành, phân bổ, phát triển nguồn điện một cách hiệu quả, ổn định và bền vững. Mặt khác, việc tích hợp các dữ liệu khí tượng thủy văn vào quá trình vận hành và quy hoạch năng lượng tái tạo sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của quốc gia.
Lãnh đạo EVN khẳng định, sự hợp tác với Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu qua bản ghi nhớ (MOU) giai đoạn 2025 - 2030 là bước ngoặt quan trọng. MOU này giúp EVN tiếp cận dữ liệu dự báo chính xác về bức xạ mặt trời, gió và các yếu tố khí tượng, từ đó hỗ trợ trong việc tính toán sản lượng phát trong dự báo cũng như trong thanh toán đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Ngoài ra, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu sẽ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ, giúp EVN chuyển dịch năng lượng thành công theo yêu cầu của Chính phủ.
Lãnh đạo EVN cũng cho biết, bản ghi nhớ mà hai bên ký mở ra các cơ hội mới nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, phát huy lợi thế của mỗi bên để cùng phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Lãnh đạo Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cam kết phối hợp chặt chẽ với EVN để thực hiện hiệu quả các nội dung đã thống nhất; đồng thời phát huy thế mạnh về nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn và cung cấp các dữ liệu, phân tích khoa học phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của EVN, hỗ trợ công tác điều phối và hoạch định chiến lược dài hạn về phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam.
Hợp tác, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng xanh
Theo thông tin từ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ tại Việt Nam, ngày 1/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã tham dự một số hoạt động quan trọng với lãnh đạo Chính phủ của Bỉ và cộng đồng doanh nghiệp Bỉ tại Việt Nam.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã tiếp xã giao ông Rudi Vervoort, Bộ trưởng – Thủ hiến vùng Brussels, Vương quốc Bỉ và tham dự phát biểu khai mạc hội thảo “Hợp tác Việt - Bỉ về các giải pháp phát triển bền vững”.
Tại buổi làm việc, hai bên đã có nhiều trao đổi tích cực về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Bỉ. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và ông Rudi Vervoort, Bộ trưởng – Thủ hiến vùng Brussels đều nhất trí cho rằng Việt Nam và Bỉ cần tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác trong các dự án năng lượng xanh, sạch và chuyển đổi năng lượng theo hướng công bằng theo cam kết tại Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP), hướng tới phát triển năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn phát triển toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tiếp xã giao ông Rudi Vervoort, Bộ trưởng – Thủ hiến vùng Brussels, Vương quốc Bỉ. (Ảnh: moit.gov.vn)
Ông Rudi Vervoort nhấn mạnh thế mạnh của Bỉ trong ngành năng lượng, năng lượng tái tạo với sự góp mặt của nhiều tập đoàn hàng đầu, nhất là trong lĩnh vực điện gió. Buổi làm việc có sự góp mặt của các doanh nghiệp năng lượng Bỉ. Các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào thị trường Việt Nam, từ đó mở rộng ra các thị trường Đông Nam Á; đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần phát triển Việt Nam thành một trung tâm năng lượng hàng đầu tại khu vực.
Phát biểu khai mạc hội thảo “Hợp tác Việt - Bỉ về các giải pháp phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng.
Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh việc chuyển giao công nghệ và đầu tư từ Bỉ vào những lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và năng lượng tái tạo. Sự hợp tác này không chỉ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển, làm chủ các công nghệ tiên tiến mà còn phù hợp với những lĩnh vực thế mạnh và trọng tâm trong chính sách của EU cùng các quốc gia thành viên.