Năng lượng tái tạo

Tạo thuận lợi trong mua bán trực tiếp điện tái tạo

Thứ sáu, 7/6/2024 | 22:17 GMT+7
Ngày 7/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Theo Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế DPPA, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 30 điều và 5 phụ lục. Nghị định quy định hai hình thức mua bán điện trực tiếp là qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia. Với hình thức mua bán trực tiếp qua đường dây riêng thì không giới hạn công suất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, về mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự thảo Nghị định quy định: "Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ gió hoặc mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh" là đối tượng mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia.

Về lý do giới hạn công suất từ 10 MW trở lên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo mô hình mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đây là điều kiện thuận lợi để tham gia vào thị trường. Trong thời gian tới, khi vận hành trơn tru, có thể tiếp tục xem xét, bỏ giới hạn hoặc giới hạn công suất thấp hơn.

Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định khách hàng sử dụng điện lớn là khách hàng sử dụng 500.000 kWh/tháng trở lên. Làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc lựa chọn ngưỡng sử dụng điện của khách hàng lớn dựa trên cơ sở hài hòa mục tiêu các bên. Theo số liệu khảo sát phân bổ sản lượng tiêu thụ điện năng của các khách hàng sử dụng điện mua điện từ các tổng công ty điện lực (PCs) cho thấy, khách hàng lớn: từ 1 triệu kWh/tháng trở lên gần 1.500 khách hàng (chiếm gần 26% tổng điện năng); từ 500.000 kWh/tháng trở lên khoảng 3.000 khách hàng (chiếm 30% tổng điện năng); từ 200.000 kWh/tháng trở lên là hơn 7.700 khách hàng (chiếm 36,5% tổng điện năng). Cân đối nhu cầu của khách hàng sử dụng điện sạch và tác động tài chính đối với EVN và PCs, Bộ Công Thương đề xuất khách hàng sử dụng điện lớn là khách hàng sử dụng điện từ 500.000 kWh/tháng trở lên.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã phát biểu, góp ý về các hình thức mua bán điện, nhất là việc mua bán qua lưới điện quốc gia, việc bảo đảm công bằng giữa các bên liên quan, giữa người bán, người mua và Nhà nước; về chi phí khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), mức phí ngoài lưới (wheeling fee)...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu dự thảo Nghị định về cơ chế DPPA phải quy định rõ những chủ thể khách hàng lớn; làm rõ chủ thể “khu công nghiệp” nếu đại diện cho các khách hàng khu công nghiệp ủy quyền mua bán điện trực tiếp; khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu chế xuất...

Luật Điện lực cũng như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ việc phát triển thị trường điện cạnh tranh với các nguồn điện khác nhau. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ hơn việc mở rộng phạm vi của dự thảo Nghị định đối với các nguồn điện sinh khối, nguồn điện từ rác với tinh thần khuyến khích các loại hình năng lượng tái tạo, chứ không chỉ điện gió và điện mặt trời.

Đối với hai hình thức mua bán điện, Phó Thủ tướng cho rằng, cần khuyến khích việc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng và cần có quy định quản lý hình thức này để bảo đảm thực hiện tốt, có hiệu quả, tránh các hệ lụy, như cháy nổ, ảnh hưởng cảnh quan… Cần xây dựng và công bố công khai về các chi phí (đảm bảo tính đúng, tính đủ) khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), sử dụng hạ tầng, phí tổn thất để người mua, người bán cân nhắc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải có giải pháp để đảm bảo sự công bằng giữa các khách hàng như tính toán giá điện hai thành phần. Ví dụ, giá điện khi không có mặt trời, lại vào giờ cao điểm thì phải khác giá điện vào thời điểm có nắng to, hay mức giá đối với đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo có thiết bị, pin lưu trữ điện khác với đơn vị không có tích trữ điện năng. Điều này nhằm bảo đảm công bằng cũng như khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, hệ thống pin tích trữ, hệ thống điện thông minh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải xác định rõ trách nhiệm của các bên. Trong đó, EVN phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm việc truyền tải lên hệ thống điện được an toàn và không ảnh hưởng đến tình hình an ninh cung ứng điện, bảo đảm cân đối giữa các nguồn điện (giữa điện tái tạo và các nguồn điện khác). Đây là bài toán khó trong điều độ điện, phải thực hiện hết sức khoa học, có trách nhiệm rõ ràng.

Đồng thời, phải tính toán kỹ việc tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất các nguồn điện sẽ gia tăng để điều chỉnh, cập nhật kịp thời quy hoạch điện; tránh tình trạng cung - cầu lệch nhau, như cung nhiều quá mà cầu ít quá, dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước, nhà đầu tư. Quy hoạch phải đi trước một bước, không để ảnh hưởng đến sự phát triển năng lượng tái tạo khi bị bó buộc trong "tấm áo chật", trong xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến, tập trung cao độ để hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Phó Thủ tướng vào tuần tới.

Nhã Quyên (t/h)