Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 18/2024

Thứ hai, 27/5/2024 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện (cơ chế DPPA), trình Chính phủ trước ngày 30/5/2024.

Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp trước ngày 30/5

Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo số 244/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tình hình bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian cao điểm năm 2024, các năm tiếp theo và việc tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Trong đó, về việc xây dựng các chính sách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện (cơ chế DPPA), trình Chính phủ trước ngày 30/5/2024.

Yêu cầu Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp trước ngày 30/5

Về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và dự thảo Nghị định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, dự thảo Nghị định trình Chính phủ trước 15/6/2024. Việc xây dựng các Nghị định trên nguyên tắc lắng nghe ý kiến các bên liên quan để chính sách đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, không phát sinh các vấn đề phức tạp.

29 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến ngày 23/5/2024, có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4597,86MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện.

Trong đó, có 72 dự án với tổng công suất 4128,01MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/72 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt phê duyệt giá tạm cho 63 dự án với tổng công suất 3429,41 MW.

Ảnh minh họa

Tính đến ngày 23/5/2024, có 29 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1577,65 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại (gọi tắt là COD), phát điện thương mại lên lưới.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 23/5/2024 đạt hơn 2,597 tỷ kWh.

Đến nay, có 32 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 37 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 41 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 4 dự án với tổng công suất 136,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện.

Chuẩn bị vận hành Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Theo Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2), PECC2 đã phối hợp với chủ đầu tư - Công ty CP Năng lượng sinh khối Hậu Giang (HBE), Công ty Điện lực Hậu Giang và các bên liên quan tổ chức đóng nhận điện ngược thành công các hạng mục từ trạm biến áp 110/22kV Long Mỹ về máy biến áp chính Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang, vượt mốc tiến độ 2 tuần so với kế hoạch hợp đồng EPC.

Đây là mốc tiến độ quan trọng nhằm nhận điện ngược cho việc chạy kiểm tra và thử nghiệm tổ máy, đánh dấu giai đoạn mới của dự án, đảm bảo mục tiêu phát điện thương mại nhà máy vào cuối năm 2024.

Phối cảnh Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang (công suất 2x10 MW) do Công ty CP Năng lượng sinh khối Hậu Giang (HBE) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 12/2022, tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bao gồm 2 tổ máy độc lập (2 lò hơi, 2 tuabin, 2 máy phát) và một số hạng mục phụ trợ dùng chung.

Nhà máy sử dụng công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa carbon thân thiện với môi trường (nhiên liệu chính là trấu), được vận chuyển thông qua hệ thống bến cảng nhập nhiên liệu cho phép tàu đến 300 tấn tiếp cận. Dự án được trang bị đầy đủ công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định.

Khi đi vào hoạt động, Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang sẽ là nhà máy điện sinh khối hòa lưới, sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất đi vào vận hành đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà máy cũng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn phát điện và đảm bảo an ninh năng lượng tại địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ngân Hà