Tọa đàm có sự tham dự của hơn 200 đại biểu, với 5 bài tham luận trong 2 phiên thảo luận: "Quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" và "Tín chỉ carbon - Giải pháp bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng".
Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Nguyễn Hải Nam nhận định, sự kiện là dịp để người dân tiếp cận thêm, tìm hiểu sâu về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin, hoạt động chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ban, ngành về nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, sự kiện còn là nguồn thông tin về nghiên cứu, xây dựng các quy định và thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam trong thời gian tới, giúp tái khẳng định tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và thống nhất về tư duy, nhận thức đối với các vấn đề, chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Quang cảnh tọa đàm
Tại phiên thảo luận đầu tiên về quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, trên thế giới và Việt Nam, xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ, bắt buộc mọi nền kinh tế phải tuân thủ luật chơi chung. Xu hướng này mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực, bền vững nhưng cũng khiến nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải thực hiện Biên giới carbon, cam kết không phá rừng từ 1/1/2025, sớm gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu. Nếu Chính phủ không giải quyết được những vấn đề này, nhiều mặt hàng xuất khẩu vốn đang là thế mạnh của Việt Nam như gỗ, thủy sản, may mặc… sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi về kinh nghiệm xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon, tín chỉ carbon tự nguyện và bắt buộc trong phiên thảo luận 2, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí thải nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2.
Nghị định 06/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone đã đề cập đến lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025 sẽ thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon, đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức. Đến hết năm 2027 phấn đấu xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon; thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Cũng trong dịp này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”. Trong gần 3 năm triển khai (2021 – 2023), chương trình đã trồng 191.000 cây xanh rừng đầu nguồn tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Bình Định. Bên cạnh trồng rừng, công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng cũng rất được chú trọng, điển hình như ban tổ chức chương trình phối hợp với Ban Quản lý rừng, lực lượng Kiểm lâm và người dân địa phương đã tổ chức nhiều chuyến thăm rừng, đánh giá mức độ phát triển của cây sau trồng, từ đó đề xuất các giải pháp chăm sóc, trồng dặm, dọn thực bì… tạo điều kiện thuận lợi để cây sinh trưởng, phát triển. Đồng thời, các hoạt động bổ trợ cũng được tổ chức song song góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và nhân dân về vai trò của rừng, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và chung tay hành động vì một Việt Nam xanh.