Thảo luận về các biện pháp phục hồi và quản lý môi trường, xử lý ô nhiễm

Thứ hai, 4/3/2024 | 15:04 GMT+7
Ngày 4/3, Hội thảo lần thứ 4 về ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý môi trường (ICEPORM 2024) diễn ra tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, .

Phát biểu tại hội thảo, GS. Hoàng Chung Thẩm, Đại học Auburn (Mỹ) cho biết, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có ô nhiễm môi trường. Vấn đề này càng trở nên đáng quan tâm hơn đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, bảo vệ môi trường để duy trì cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết.

Hội thảo gồm 80 bài trình bày kết quả nghiên cứu về nhiều lĩnh vực trong khoa học môi trường của hơn 100 nhà khoa học và quản lý môi trường đến từ 15 quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội để các đại biểu cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, thảo luận các vấn đề môi trường để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề.

Ông Dương Nguyễn, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ, thời gian qua, USAID đã hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cải thiện an ninh môi trường và hỗ trợ hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tính từ năm 2021 đến nay, USAID đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, nhà nghiên cứu địa phương hơn 30 triệu USD để giải quyết ô nhiễm môi trường. Để duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan ở địa phương trong thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường một số nơi suy giảm mạnh, đặc biệt ở khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp; hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng tại một số vùng... tác động đến đời sống sinh kế của người dân, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề này đã và đang cản trở việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự; chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Thứ trường Lê Công Thành mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những vấn đề về khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm tại Việt Nam hiện nay; đồng thời, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để cùng nhau tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

ICEPORM 2024 dự kiến diễn ra trong 4 ngày, với nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học có chuyên môn cao cũng như các nhà quản lý về bảo vệ môi trường giàu kinh nghiệm; nhiều phiên trao đổi, thảo luận đa dạng về nhiều chủ đề, trong đó tập trung vào các vấn đề ô nhiễm môi trường nổi cộm như ô nhiễm vi nhựa, ô nhiễm hóa chất; quan trắc môi trường; công nghệ xử lý ô nhiễm; đánh giá rủi ro sinh thái và sức khỏe con người… Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm, mong muốn được chia sẻ, nghiên cứu và áp dụng phù hợp trong thực tiễn.

Kim Bảo (T/H)