Kinh tế xanh

Thiết lập tài chính xanh cho ngành gỗ Việt Nam

Thứ sáu, 8/3/2024 | 22:50 GMT+7
Mới đây, trong khuôn khổ Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (Hawa Expo) 2024, câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh hướng đến Net zero carbon (GREEN MEDIA HUB) đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Huỳnh Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ đạt 14,5 tỷ USD so với 15.8 tỷ USD năm 2022. Bước qua 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực và dự kiến năm nay, ngành gỗ Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải hiểu rõ, đáp ứng và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ nhiều phía để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề tài chính carbon và thị trường carbon. Bởi vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon không xa lạ với các nước phát triển nhưng lại là vấn đề hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng.

Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã thẳng thắn chia sẻ về những cơ hội cũng như thách thức về vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon trong tương lai. Theo các diễn giả, Việt Nam là một trong các quốc gia hàng đầu về chế biến gỗ và lâm sản, các chính sách của Việt Nam đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là những cơ chế tài chính đóng góp tích cực vào công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết thách thức đối với môi trường.

Thiết lập tài chính xanh cho ngành gỗ Việt Nam

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết thông tin về thị trường tín chỉ carbon rừng toàn cầu và Việt Nam. Trong đó, từ ngày 01/01/2025 nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020. Do đó, cần phải gấp rút chuẩn bị sẵn sàng vấn đề này.

Theo thống kê của World Bank hiện nay, thông qua Cơ chế REDD+ (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng), một số tổ chức quốc tế đã ký kết với chính quyền địa phương hoặc quốc gia để chi trả tài chính nhằm hạn chế nạn phá rừng và phục hồi rừng. Tổng giá trị của thị trường carbon từ rừng toàn cầu được chi trả năm 2023 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD và tất cả đều thông qua Cơ chế REDD+. Trong vòng 3 năm gần đây kể từ năm 2020, tổng chi phí chi trả cho tín chỉ hấp thụ carbon rừng đều tăng trưởng 10%/năm.

Dự kiến đến năm 2030, tổng giao dịch tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD, gấp 10 lần sao với 2021 và mức chi trả giao động từ khoảng 20 đến 50 USD/tấn.

Vừa qua, theo ký kết với World Bank, lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ, dự kiến thu về 51,5 triệu USD. Đặc biệt, năm 2023 cũng là năm đầu tiên Việt Nam nhận được tiền chi trả là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Theo đánh giá của chuyên gia, gỗ đóng vai trò hấp thụ và lưu trữ carbon, là một trong số ít ngành sản xuất phát thải khí nhà kính âm so với các ngành khác với cùng mục đích sử dụng như sản xuất đá, mỹ nghệ từ đá, hoặc các ngành sản xuất nguyên vật liệu khác như nhựa, bê tông, thép… nên ngành gỗ có thể tận dụng thay thế cho các nguyên liệu trên trong xây dựng để giảm phát thải carbon.

Đặc biệt, Việt Nam với 14 triệu ha rừng nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp, mang đến giá trị lớn cho nền kinh tế. Song để tạo ra được tín chỉ carbon, các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp thì cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cụ thể, các cơ chế, chính sách cần tập trung vào khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng; thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận. Đồng thời, cần có các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận; cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong thực hiện quản lý rừng bền vững, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.

Toạ đàm còn mang đến thông tin hữu ích về các giải pháp và kinh nghiệm để làm báo cáo phát thải cho doanh nghiệp của FPT Information System hay xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển xanh tạo ra tín chỉ carbon; hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hành ESG của Quỹ đầu tư VinaCarbon...

Bảo An (T/H)