Trong nước

Thủ tướng: Trong mọi tình huống phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết

Thứ hai, 12/9/2022 | 14:36 GMT+7
Ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. Thủ tướng nhắc đến một số sự cố cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, yêu cầu trong mọi tình huống phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: "Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân". Trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường với tần suất ngày càng cao. Nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke.

Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết, tối 11/9 xảy ra vụ cháy tại Đồng Nai…).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác Phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP

Tại hội nghị, Thủ tướng một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn. Thủ tướng cho biết, những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác PCCC và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, PCCC&CNCH là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi kinh tế - xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Trong khi đó, nhận thức, hành vi, thói quen về PCCC&CNCH của mọi người còn có những lúc, những nơi hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về PCCC&CNCH còn hạn chế, bất cập.

Qua đó, Thủ tướng yêu cầu: "Tôi đề nghị các đồng chí với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan".

Nhật Linh (t/h)