Trong nước

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Thứ hai, 4/7/2022 | 15:17 GMT+7
Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đi qua nửa đầu năm 2022 với tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, khó đoán định. Kinh tế của các nước trên thế giới vốn bị suy giảm sau hơn 2 năm đại dịch, chưa kịp phục hồi, nay lại gặp các cú sốc mới do xung đột quân sự Nga - Ukraine gây xáo trộn về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh toàn cầu. Lạm phát leo thang; giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là phân bón, xăng, dầu tăng cao; nhiều chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ. Bên cạnh đó, còn có các tác động tiêu cực từ những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và đại dịch COVID-19.

Nhiều nước đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất... Các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm sâu dự báo tăng trưởng toàn cầu với tốc độ tăng trưởng năm 2022 chỉ bằng khoảng một nửa năm 2021 và xuất hiện nguy cơ suy thoái ở một số nước.

Đối với trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn. Với độ mở lớn, nền kinh tế không tránh khỏi những tác động của tình hình thế giới. Dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp; biến thể mới và một số dịch bệnh khác cũng đang xâm nhập vào nước ta.

Toàn cảnh hội nghị

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, thực hiện các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương vừa nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài vừa xử lý các vấn đề mới, phát sinh vừa tập trung triển khai các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, có mặt bứt phá, tạo dấu ấn đậm nét. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dù nhiều sức ép, nhất là giá xăng dầu tăng cao, các cân đối lớn được bảo đảm thu - chi ngân sách, xuất nhập khẩu, cung cầu lao động, năng lượng và lương thực thực phẩm. Công nghiệp khởi sắc, dịch vụ phục hồi và nông nghiệp phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đặc biệt quý II có tốc độ tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua trên nền không thấp của năm 2021.

Các hoạt động văn hóa, xã hội, dịch vụ sôi động trở lại đặc biệt từ sau 15/3, khi mở cửa du lịch quốc tế. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng. Đối ngoại được thúc đẩy toàn diện và cân bằng; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Những kết quả đó tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định; chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm; chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 6 đạt 54 điểm, cao hơn mức chung khu vực ASEAN là 52 điểm và đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp sản xuất mở rộng kể từ tháng 10/2021.

Các đại biểu tại hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh nhiều tín hiệu tích cực, Thủ tướng yêu cầu cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế, bất cập. Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện trách nhiệm, hiệu quả hơn mới có thể đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025. 

Thủ tướng yêu cầu: "Hội nghị hôm nay được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh thành để cùng nhìn lại tình hình triển khai các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ… trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia và công tác quy hoạch...

Tinh thần là thảo thuận thẳng thắn, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được trong 6 tháng đầu năm; nhận định khách quan về các kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, khó khăn, thách thức chính hiện nay (khó khăn gì? vướng mắc ở thể chế hay thực thi? thẩm quyền giải quyết của ai?). Đặc biệt các địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm hay cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những trọng tâm trong thời gian tới”.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44%. Kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. 

Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản  và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ ; nhiều địa phương động lực đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24,0%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%)…

Theo vov.vn