Chiều 23/9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị “Triển khai công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2020 - 2021, khu vực ĐBSCL”.
Đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua đã khiến khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt; 58.400ha lúa bị thiệt hại; khoảng 25.000ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Theo dự báo, giai đoạn năm 2020 - 2021, hạn mặn xâm nhập vẫn rất nặng nề. Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức nghiêm trọng, một số thời điểm tương đương năm 2015 - 2016.
Hạn mặn kéo dài ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân khu vực ĐBSCL
Việc triển khai công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn từ sớm sẽ giúp các địa phương chủ động ứng phó, điều chỉnh sản xuất, giảm thiểu thiệt hại. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tổ chức hội nghị phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn lần thứ hai trong năm nay để nhanh chóng tìm ra giải pháp có tính lâu dài giúp hạn chế thấp nhất tổn thất cho người dân.
Trong buổi làm việc, Thủ tướng nêu ra các vấn đề như: chủ trương ứng phó sớm, chuyển đổi cây trồng, giảm diện tích lúa đông xuân… để ban lãnh đạo các tỉnh cùng thảo luận, tìm giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Hiện đang mùa mưa nên việc chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt và tưới tiêu rất quan trọng, bằng mọi cách chúng ta phải đảm bảo nước sinh hoạt, không để xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt. Bên cạnh đó, tuy theo hướng thuận thiên nhưng vẫn phải có các công trình thủy lợi cứng hóa cho ĐBSCL. Chiến lược chuyển đổi trong mùa khô phải đặt ra ngay từ bây giờ, Thủ tướng chỉ đạo.
Buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng đã đi thăm mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Hiệp Đức, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Bảo An (T/H)