Hợp tác triển khai các dự án giảm phát thải
Ngày 22/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia Cơ chế tín chỉ chung (JCM) hướng tới sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, JCM là sáng kiến của Nhật Bản thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp tại các quốc gia.

Thông qua cơ chế JCM, nhiều dự án giảm phát thải đã được triển khai hiệu quả
Tại Việt Nam, cơ chế JCM được ký kết và triển khai từ năm 2013 cho giai đoạn 2013 - 2020 và tiếp tục được gia hạn cho giai đoạn 2021 - 2030. Điều này thể hiện kỳ vọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, hướng tới đạt được những kết quả về giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu hy vọng JCM sẽ trở thành cơ chế toàn cầu trong tương lai. Đến nay, hơn 30 nước ký kết JCM đã có trên 256 dự án đã và đang tham gia cơ chế; 106 phương pháp luận tạo tín chỉ carbon.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Cơ chế JCM đã được triển khai tại Việt Nam với các kết quả như: thành lập Ủy ban hỗn hợp hai nước và phê duyệt 15 phương pháp luận, đăng ký 14 dự án. Các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, cải tiến trang thiết bị để hiệu quả năng lượng cao hơn. Đến nay, 35.000 tín chỉ carbon đã được cấp với tổng mức cam kết hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản khoảng 35 triệu USD.
Ngoài các dự án đã đăng ký, phía Nhật Bản đang tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những doanh nghiệp tiềm năng xây dựng và triển khai dự án để đăng ký theo Cơ chế JCM. Các dự án này tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn của Việt Nam như trong canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng, giao thông.
Hai bên sẽ xem xét mở rộng phạm vi đầu tư sang các dự án giảm phát thải khí nhà kính khó hơn, phức tạp hơn, cần đầu tư tài chính, kỹ thuật và công nghệ cao như các dự án về thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS), dự án phát triển điện gió ngoài khơi…
Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường carbon
Theo ông Tăng Thế Cường, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai thị trường carbon, bao gồm cả khung pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực và tài chính. Ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam tại Quyết định số 232/QĐ-TTg. Tiếp đó, ngày 9/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Việc sửa đổi nghị định trên giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính theo hướng minh bạch, sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của quốc tế đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường carbon, tạo tín chỉ carbon trong các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Nghị định số 119/2025/NĐ-CP cũng có các quy định liên quan đến việc các Bộ, ngành phê duyệt những phương pháp tạo tín chỉ carbon; các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; tham gia trao đổi hạn ngạch trong thị trường carbon; việc vận hành thị trường carbon; thư chấp thuận trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…
Nghị định cũng quy định các doanh nghiệp có hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được trao đổi, giữa các doanh nghiệp sử dụng vượt quyền phát thải được mua hạn ngạch của các doanh nghiệp phát thải thấp hơn. Trong giai đoạn đầu, mức này ở Việt Nam (quy định 30%) nhằm khuyến khích để dần làm quen với thị trường carbon.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường carbon
Theo Cục trưởng Tăng Thế Cường, những quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, tín chỉ carbon từ các dự án JCM sẽ được trao đổi trên sàn giao dịch carbon tại Việt Nam.
Ông Iio Satoru, Cục trưởng Cơ quan Môi trường toàn cầu (Bộ Môi trường Nhật Bản) cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua JCM. Tín chỉ carbon tạo ra từ các dự án này không chỉ góp phần giảm chi phí năng lượng xanh mà còn tăng giá trị kinh tế cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Theo ông Satoru, để mở rộng quy mô các dự án JCM, cần đảm bảo hai yếu tố chính. Đầu tiên là xây dựng khung pháp lý và quy trình triển khai tại Việt Nam, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương. Ngoài ra, các quy định, hướng dẫn của JCM cũng cần được điều chỉnh phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Thứ hai là thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào 4 lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyển đổi năng lượng, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon mà các doanh nghiệp Nhật Bản đã thành công triển khai tại Việt Nam.
Để hỗ trợ quá trình này, từ tháng 4/2025, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một cơ quan mới có tên JCM Agency (JCMA). Toàn bộ quy trình từ xây dựng dự án đến cấp tín chỉ carbon sẽ được đơn giản hóa những bước thủ tục cho các nước đối tác, trong đó có Việt Nam.
Về phía Việt Nam, ông Tăng Thế Cường cho biết, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường carbon.
Bộ cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế về trao đổi kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản trong việc rà soát, điều chỉnh những hướng dẫn JCM phù hợp với quy định của Thỏa thuận Paris cũng như bối cảnh mới trong nước và quốc tế.
Theo lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng phát triển thị trường carbon nên cần có những bước đi, lộ trình phù hợp. Vì vậy, tham gia JCM cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư vào những hoạt động giảm phát thải và tận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính carbon mới.