Trong nước

Tích cực triển khai quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 22/6/2022 | 09:45 GMT+7
Ngày 21/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 – 2030 tại thành phố Cần Thơ.

ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch quanh năm và các ngành dịch vụ khác.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khu vực địa lý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, nhiều loại hình thiên tai, thời tiết nguy hiểm đã và đang diễn ra như: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão lũ…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cũng có cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ - trung tâm của vùng.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển ĐBSCL bao gồm: tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Phải đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đặc biệt, cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu…). Các địa phương phải cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trước mắt chúng ta cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (Nghị quyết 38/NQ-CP), không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường xây dựng các trường đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động.

Tích cực triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL ở từng địa phương; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương.

Thanh Tâm (t/h)