Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS đánh giá: “Việt Nam đang có nguy cơ lỡ hẹn đối với mục tiêu năm 2025 là 95 - 100% người dân thành thị và 93 – 95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Đặc biệt, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước máy rất hạn chế, mới chỉ đạt xấp xỉ 35% số hộ vào năm 2019”.
Mặt khác, với tốc độ đô thị hóa nhanh ở đô thị, ô nhiễm nguồn nước ngầm đang là vấn đề gây quan ngại; nước sạch và xử lý nước thải sinh hoạt sẽ là thách thức lớn cho Việt Nam.
Về thị trường cấp nước sạch tại Việt Nam, tỷ lệ cấp giữa thành thị và nông thôn trên toàn quốc cho thấy sự chênh lệch rất lớn, với tỷ lệ hộ gia đình tại thành thị tiếp cận được nước máy đạt 84,2% trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.
Tọa đàm “Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách”
Cụ thể, tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương với nhau và giữa địa phương so với trung bình toàn quốc, giữa khu vực thành thị và nông thôn của cùng một địa phương. Có thể chia các tỉnh thành ba nhóm gồm (1) tiếp cận cao, (2) tiếp cận trung bình và (3) tiếp cận thấp.
Trong đó, nhóm (1) gồm các địa phương có tỷ lệ tiếp cận nước sạch trên 80% gồm: TPHCM (91,5%), Thừa Thiên Huế (92,4%), Hải Dương (90,1%), Hải Phòng (85%), Bà Rịa - Vũng Tàu (83,61%). Nhóm (2) gồm các địa phương có có tỷ lệ tiếp cận nước sạch 50% - 79% như: Hà Nội (66,5%), Bình Dương (63,38%), Quảng Ninh (64,9%), Nam Định (63,52%). Nhóm (3) gồm các địa phương có có tỷ lệ tiếp cận nước sạch dưới 50% là Lâm Đồng (31,9%), Nghệ An (25,9%), Thanh Hóa (28,9%), Thái Nguyên (29,9%).
Trong tiến trình hướng đến mục tiêu mọi người bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, Việt Nam đã tiến hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thiết yếu này cho xã hội. Tuy nhiên, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, cụ thể trong khi nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thì thị trường cũng không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước.
Ông Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị: “Cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này nên gắn liền với việc xây dựng luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai”.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường. Vì vậy, nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước cho người dân. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. Cùng với đó, cơ chế, chính sách cần được quản lý đồng bộ, hiệu quả từ cấp Trung ương đến cấp địa phương và phải được giám sát thực thi hiệu quả. Ngoài ra, việc bảo đảm phòng chống ô nhiễm nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn nguồn nước.