Tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước ngầm

Thứ ba, 22/3/2022 | 17:15 GMT+7
Nhân sự kiện Ngày Nước thế giới năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Với chủ đề “Nước ngầm”, Ngày Nước thế giới 2022 nhằm thu hút sự chú ý của mọi người đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững. Qua đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất ở Việt Nam ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk)… Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu là để cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), sản xuất, canh tác nông nghiệp. 

Hưởng ứng chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay và căn cứ điều kiện tình hình thực tế hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp chủ đề Ngày Nước thế giới.

Cụ thể như: treo pano, băng rôn, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức trực tuyến, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về giá trị của nước ngầm, thời tiết và khí hậu… bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước dưới đất nhân sự kiện Ngày Nước thế giới 2022

Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và thu hút các dự án xanh… nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất.

Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất. Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời, bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

Tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế người dân, quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên. Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gene, đặc biệt áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến, để tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, ứng phó với suy giảm chất lượng nước ngầm, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Bao gồm: tập trung sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến quản lý để bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước dưới đất; tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, trong đó quy hoạch khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn.

Tổ chức thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt; tiến hành nghiên cứu áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

Phương An