Kinh tế xanh

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thứ ba, 5/1/2021 | 11:44 GMT+7
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Theo Nghị quyết, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã cùng nỗ lực phòng chống, kiểm soát tốt đại dịch, đồng thời có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Trong tình hình hiện nay, năm 2021 được cho là năm có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Đây là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Do đó, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ ban hành Nghị quyết về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị quyết nêu rõ, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp.

Cụ thể, tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể gồm: cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng của sinh viên, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, môi trường sinh thái bền vững.

Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt lưu ý chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn, như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa... phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững.

Cuối cùng, tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Thanh Tâm