Kinh tế xanh

Sẽ triển khai mô hình cảng xanh trên phạm vi toàn quốc từ năm 2030

Thứ ba, 8/12/2020 | 11:39 GMT+7
Theo Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam đã được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công phê duyệt tại Quyết định 2027/QĐ-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam từ năm 2030.

Mô hình cảng xanh (cảng sinh thái) đại diện cho mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế của cảng.

Cảng xanh thúc đẩy việc sử dụng công nghệ sạch, carbon thấp, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển hệ thống cảng biển xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam sẽ dựa trên cơ sở ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, rủi ro môi trường; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kiểm soát tác nhân gây ô nhiễm, giảm thiểu phát sinh chất thải; hướng tới nền kinh tế xanh và nâng cao hình ảnh cảng biển Việt Nam trên trường quốc tế.

Cảng xanh tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính gồm: nhận thức về cảng xanh, sử dụng tài nguyên, quản lý chất lượng môi trường, sử dụng năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cảng Tân Cảng - Cát Lái là cảng biển đầu tiên ở Việt Nam được trao giải thưởng cảng xanh

Theo Đề án, trước mắt, giai đoạn 2025 - 2030, Cục Hàng hải sẽ phối hợp nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh, triển khai áp dụng và đánh giá kết quả áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển Việt Nam. Từ sau năm 2030, việc áp dụng tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam sẽ triển khai áp dụng bắt buộc.

Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực triển khai áp dụng tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng biển; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, carbon thấp, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức phi chính phủ để học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ sự trợ giúp của bạn bè quốc tế trong phát triển cảng xanh tại Việt Nam.

Giai đoạn sau 2030, tiêu chí cảng xanh sẽ được triển khai áp dụng bắt buộc trong quy hoạch, đầu tư xây dụng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam.

Theo thông tin được công bố trên Diễn đàn Giao thông quốc tế, vận tải biển chiếm 3 - 4% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra trên toàn thế giới. Con số này tăng lên khoảng 6% vào năm 2020 và dự kiến sẽ là 17% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2050 nếu không được kiểm soát. Khoảng 230 triệu người sẽ phải trực tiếp tiếp xúc với khí thải tại 100 cảng hàng đầu thế giới. Vì vậy, việc “xanh hóa” cảng biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giúp giảm khí phát thải tại khu vực cảng biển, tăng hiệu quả kinh tế và bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Thanh Tâm