Tìm cách huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập

Thứ tư, 25/11/2020 | 09:55 GMT+7
Tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển vừa phối hợp tổ chức tổ chức hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”.

Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 được đánh giá là có nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.

Nghị quyết đã xác định quan điểm “khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”, “thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn, đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Cho đến tháng 8/2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt ra của toàn hệ thống) và ngày càng có xu hướng tăng lên theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng.

Hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”

Trong khi đó, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối…

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Đồng thời, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn nhưng sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí gồm: có quy mô thị trường đủ lớn; có khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; rủi ro thấp.

Tại hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận một số chủ đề như: khái quát quy trình cấp vốn và phân bổ rủi ro giữa các bên trong Hợp đồng mua bán điện (PPA); cách thức cải thiện chỉ số tín dụng quốc gia cho Việt Nam; tham gia của ngân hàng địa phương vào các dự án huy động vốn quốc tế; những chuẩn mực cần có trong Hợp đồng mua bán điện để có thể huy động vốn đầu tư cho các dự án điện độc lập; cụ thể các tiêu chuẩn kêu gọi vốn và cách thức phân bổ rủi ro trong Hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện độc lập; kinh nghiệm đầu tư các dự án điện độc lập tại Trung Đông và Indonesia (Hợp đồng mẫu PPA); chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam… Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi về những cơ chế, chính sách liên quan đến việc huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập.

Đình Tú