Trong nước

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát

Thứ bảy, 21/11/2020 | 01:19 GMT+7
Theo các chuyên gia, tác động kép của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của một số cơ chế chính sách, đặc biệt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã khiến ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát gặp nhiều khó khăn. Ngành công nghiệp này cần có những thay đổi trong xu hướng vận hành để thích nghi với bối cảnh hiện nay cũng như có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.

Đó là nội dung chính được trao đổi tại diễn đàn “Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Quang cảnh Diễn đàn

Nhiều khó khăn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều năm nay, ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

“Với tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo là 6%, ngành công nghiệp đồ uống là một trong những ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam. Nhưng ngành cũng chịu sự chi phối và kiểm soát của nhà nước với các chính sách thắt chặt và nổi bật nhất là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, ngành rượu bia chịu sự điều chỉnh của thuế môn bài, thuế xuất nhập khẩu nhưng dòng thuế này được cắt theo lộ trình, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ doanh nghiệp, thuế tiêu thụ cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường…

Cụ thể, thuế xuất nhập khẩu được “đánh” với nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu để nhập khẩu thiết bị sản xuất rượu bia. Thuế giá trị gia tăng rơi vào khoảng 10% đối với hàng hóa là bia, rượu và nước giải khát, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu ở nồng độ cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp được ở mức 20%. Ngoài ra, theo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt số 08/2003/QH11 thì hàng hóa đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chịu thuế giá trị gia tăng. Còn lại, rượu trên 40% độ còn phải chịu 75% thuế, rượu từ 20 đến 40 độ chịu 30% thuế, rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả chịu 20% thuế, rượu thuốc chịu 15% thuế. Với bia thì dòng bia hộp, bia chai thì chịu thuế đến 75% nhưng bia hơi chỉ phải chịu thuế đến 30%. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, thì từ năm 2009, nhà nước đã thống nhất đánh thuế với các loại bia. Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 năm 2008 đánh thuế với mặt hàng rượu 20 độ trở lên với mức thuế là 50%; rượu dưới 20 độ đánh mức thuế 25%.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, năm 2020, ngành bia, rượu, nước giải khát chịu tác động kép do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Vì thế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20 - 40%, chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tăng lên. Ngoài ra, ngành này còn đang phải chịu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cạnh tranh với cả các cơ sở kinh doanh rượu bia lậu…

Dự báo, việc giảm sản lượng tiêu thụ rượu bia, nước giải khát có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020 gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất bia rượu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến bia rượu, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, trong ngành bia rượu, nước giải khát như đều ghi nhận sự sụt giảm trong doanh thu. Điển hình như Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tính chung 9 tháng đầu năm 2020, Sabeco ghi nhận đạt gần 20.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,7% so với cùng kỳ. Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mất gần một nửa doanh thu quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo lợi nhuận giảm 55% tương đương 148 tỷ đồng.

Cùng với những khó khăn đó, theo các doanh nghiệp, chính sách liên quan đến thuế và một số điều luật liên quan cũng gây khó khăn cho ngành công nghiệp rượu bia, nước giải khát.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết: Ngành đã giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động; hàng năm đóng góp trên 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước… nhưng vì chịu tác động kép do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên năm 2020 ngành không tăng trưởng, sản lượng bia năm 2020 giảm từ 10 - 20% dẫn đến thất thu ngân sách đáng kể. Từ thực tế trên ông Việt đưa ra kiến nghị, thứ nhất, chính sách cần ổn định 5 - 10 năm thì doanh nghiệp mới xoay sở được. Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động đều nộp thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp nên khi gặp khó khăn thì cũng cần được hỗ trợ hay được lùi lại thời hạn đóng thuế.

Giải pháp thay đổi để thích nghi

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, dù khá ảm đạm nhưng theo dự báo, thị trường của ngành bia, rượu, nước giải khát sẽ có cải thiện dần trong các năm sau. Năm 2020 là năm đặc biệt với nhiều thách thức nhưng đây sẽ là năm nền tảng cho nhiều bứt phá trong tương lai. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, dù phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng các ngành này sẽ không về mức cao như trước đây, khi người tiêu dùng thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới.

Theo ông Long, phân khúc bia không cồn có tiềm năng lớn. Bia không cồn hứa hẹn mở ra một tương lai đầy triển vọng cho ngành bia tại Việt Nam.

“Ngành bia, rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn cùng với đó là điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng sản phẩm mới, giảm sự ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc có thêm những sảm phẩm thay thế, thích ứng với chính sách, đây sẽ là bước đi mà doanh nghiệp cần tính đến”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, cho rằng: Để tháo gỡ khó khăn cho ngành rượu bia, nhà nước cần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế, tạo sự bình đẳng với các ngành khác trong việc tiếp cận nguồn lực chính sách.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại diễn đàn cũng nhấn mạnh, với những bài học kinh nghiệm đúc kết từ khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp ngành đồ uống buộc phải có những thay đổi trong xu hướng vận hành để thích nghi với bối cảnh hiện nay cũng như có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai...

Thiên San