Khoa học công nghệ

Tính toán việc chế biến đất hiếm phục vụ cho các ngành công nghiệp

Thứ ba, 4/6/2024 | 15:29 GMT+7
Ngày 4/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan lĩnh vực tài nguyên - môi trường, trong đó có việc quản lý đất hiếm thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình) về khai thác đất hiếm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn như bauxite khoảng 5,8 tỷ tấn; titan khoảng hơn 600 triệu tấn; đất hiếm khoảng 20,7 triệu tấn. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam có trữ lượng khoáng sản tương đối lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai đề án điều tra cơ bản, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm, việc khai thác, chế biến cần được nghiên cứu một cách tổng thể, đánh giá chính xác trữ lượng, từ đó tính toán việc đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chip, bán dẫn, hướng tới xuất khẩu, thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ.

Trong quá trình này, các địa phương có tiềm năng như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai… phải tăng cường quản lý, tránh việc khai thác bừa bãi, buôn bán trái phép.

Đất hiếm là tài nguyên quý làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao: điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn.

Theo khảo sát, ở nước ta, trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế, cụ thể là các mỏ thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận.

An Vinh (t/h)