Chương trình có sự tham gia của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hóa Chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo); Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex.

Toàn cảnh Diễn đàn
Đặc biệt, các ý kiến chuyên gia đều khẳng định rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong tham tham luận trình bày tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch VDIC, Trung tâm Thông tin Truyền thông số Việt Nam của Hội Truyền thông số (VDCA) đã chỉ ra những thách thức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và nhân lực khi thực hiện chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam.
Phó Viện trưởng Viện Trí Việt Nguyễn Thái Hòa cho rằng, chuyển đổi số trong khu vực công đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa phát biểu
Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tại các cơ quan Nhà nước còn nhiều lạc hậu. Nhiều nơi vẫn sử dụng các hệ thống công nghệ cũ, không đồng bộ, gây khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp số hóa mới như các hệ thống lưu trữ dữ liệu riêng lẻ, không tương thích, làm chậm quá trình chia sẻ thông tin.
“Việc thiếu một kiến trúc công nghệ thống nhất giữa các cơ quan dẫn đến khó khăn trong việc kết nối dữ liệu, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu dân cư, thuế hoặc y tế. Đội ngũ cán bộ, công chức thường thiếu kỹ năng sử dụng các công cụ số hóa, đặc biệt ở các khu vực nông thôn hoặc các cơ quan nhỏ. Việc đào tạo lại nhân lực đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý e ngại hoặc không sẵn sàng thích nghi với các quy trình số hóa mới, do sợ mất việc hoặc không quen với công nghệ”, ông Hòa nêu khó khăn thực tế.
Ông Hòa cũng đặc biệt lưu ý vấn đề nguy cơ phát sinh khi thực hiện chuyển số là tấn công mạng, đặc biệt khi các cơ quan Nhà nước lưu trữ dữ liệu nhạy cảm như thông tin công dân, tài chính hoặc y tế. Trong khi, hệ thống pháp luật và quy định về quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin, hoặc dịch vụ công trực tuyến thường chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, gây cản trở trong việc triển khai.
Theo Phó Viện trưởng Viện Trí Việt, khi xác định được khó khăn và có giải pháp khắc phục, thực hiện chuyển đổi số mang sẽ lại nhiều cơ hội to lớn cho khu vực công, giúp cải thiện hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Các công cụ như hệ thống quản lý văn bản điện tử, chữ ký số hoặc quy trình phê duyệt trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, cho phép người dân nộp hồ sơ mà không cần đến cơ quan hành chính.
“Thực hiện chuyển đổi số để cải thiện được chất lượng dịch vụ công trực tuyến và cung cấp các dịch vụ công ở mức độ 3 và 4 (theo mô hình của Việt Nam) sẽ giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. Từ đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, đến nộp thuế trực tuyến... Tiến trình tiếp theo của chuyển đổi số sẽ là hướng tới cá nhân hóa dịch vụ, với dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được sử dụng để phân tích nhu cầu của người dân, từ đó cung cấp dịch vụ phù hợp hơn, như gợi ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên dữ liệu kinh tế”, ông Hòa nói.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng, chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công.