Sản phẩm, công nghệ

Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thứ ba, 8/7/2025 | 11:19 GMT+7
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, 5 luật mới được thông qua góp phần thiết lập đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 Luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9 gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.

Đây là những đạo luật có ý nghĩa nền tảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu chiến lược của Đảng đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Quang cảnh họp báo. (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ)

Cụ thể, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2025) thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển, lần đầu tiên đưa đổi mới sáng tạo vào luật và đặt ngang hàng với khoa học công nghệ. Đổi mới sáng tạo được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP, trong khi khoa học công nghệ chỉ đóng góp 1%.

Luật cũng chuyển trọng tâm quản lý từ kiểm soát đầu vào sang quản lý kết quả, đánh giá hiệu quả đầu ra, cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu mang lại. Các quy định này tạo động lực đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) thể hiện tư duy quản lý mới, chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản lý chất lượng theo rủi ro; từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số; từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.

Lần đầu tiên Luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu liên ngành, hỗ trợ hậu kiểm, xử lý rủi ro chất lượng. Đồng thời, quy định quản lý rõ ràng đối với hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số, tăng cường trách nhiệm của người bán và nền tảng trung gian trong bảo đảm chất lượng và xử lý phản ánh của người tiêu dùng. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.

Lần đầu tiên, chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa như một công cụ định hướng dài hạn; đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Luật cũng quy định nguyên tắc “một sản phẩm – một quy chuẩn” trên toàn quốc, chấm dứt chồng chéo quản lý và tăng hiệu quả thực thi. Đặc biệt, cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận nhanh thị trường.

Luật Công nghiệp công nghệ số (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) là bước ngoặt lớn trong việc thiết lập khung pháp lý cho các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tài sản số. Luật Công nghiệp công nghệ số quy định chiến lược phát triển chip chuyên dụng, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với AI, luật đưa ra nguyên tắc “lấy con người làm trung tâm”, yêu cầu sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng. Nhà nước dành chính sách ưu đãi cao nhất cho thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Đây cũng là lần đầu tiên tài sản số bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa được bảo đảm quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật. Hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung và phòng thí nghiệm quốc gia được ưu tiên đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam. 

Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Một điểm mới quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy.

Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này.

Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon

Tại họp báo, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn đã cung cấp thông tin, trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, xoay quanh những vấn đề được dư luận quan tâm.

Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào để 5 Luật mới sớm đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ sẽ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, bảo đảm tính kịp thời và không để "khoảng trống pháp lý" làm chậm quá trình triển khai.

Một điểm đổi mới căn bản được Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề cập là chuyển đổi toàn diện cơ chế quản lý tài chính trong khoa học và công nghệ. Theo đó, các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được áp dụng cơ chế khoán chi, giảm thiểu thủ tục hành chính và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm… nhằm nâng cao tính chủ động và linh hoạt cho các đơn vị chủ trì. Tất cả hoạt động tài chính sẽ được minh bạch hóa qua nền tảng số, cho phép giám sát công khai, đánh giá theo rủi ro và hiệu quả thực tế, thay vì quy trình kiểm soát mang tính hình thức như trước đây.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, một loạt thủ tục sẽ được rút gọn, đơn giản hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học chủ động hơn trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc phân cấp, phân quyền được mở rộng, nâng cao quyền tự chủ, song vẫn đi kèm với giám sát hậu kiểm chặt chẽ để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, khi hành lang pháp lý đầy đủ, cơ chế vận hành linh hoạt, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết bài toán phát triển ở địa phương, ngành và quốc gia.

Lan Anh