Văn hóa, du lịch

Tổ chức cuộc thi viết danh ngôn Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc

Thứ năm, 27/10/2022 | 16:59 GMT+7
Ngày 27/10, Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc tổ chức cuộc thi Viết danh ngôn Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc, tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Cuộc thi là hoạt động tiêu biểu thuộc khuôn khổ Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992 - 2022).

Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, cuộc thi là dịp để người dân Hàn Quốc cùng khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc và chia sẻ những câu nói, triết lý sống sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là ý tưởng sáng tạo, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam và Hàn Quốc tới nhân dân hai nước.

Đặc biệt, sự kiện được tổ chức lần này sẽ là hoạt động mở màn cho chuỗi chương trình hợp tác văn hóa được thực hiện bởi Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc, nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ tốt đẹp song phương.

Tại sự kiện, các đại biểu và thí sinh tham dự đã được thưởng thức màn trình diễn thư pháp Việt Nam và Hàn Quốc được thực hiện bởi các nghệ nhân thư pháp hai nước trên nền bài hát Ariang chơi bằng đàn bầu Việt Nam.

Cuộc thi Viết danh ngôn Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc

Theo thông tin từ ban tổ chức, cuộc thi có sự tham gia của 101 thí sinh, là những người yêu nghệ thuật thư pháp, sinh viên khoa tiếng Hàn đến từ các trường đại học của Việt Nam. Toàn bộ vật liệu để thể hiện bài thi như giấy, bút lông, mực, nghiên đều được mang tới từ Hàn Quốc.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ban tổ chức đã chọn ra 15 câu danh ngôn tiêu biểu của Người để các thí sinh thể hiện trên thư pháp Hàn Quốc. Đó là các câu: “Tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”; “Văn hay không cần nói dài”; “Trong chương trình học, phải trọng về môn tinh thần và đạo đức”; “Việc gì khó có thanh niên/Ở đâu khó có thanh niên”; “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”; “Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”; “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích”; “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”; “Mọi gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết”; “Gian nan rèn luyện mới thành công”; “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”; “Có tài mà không có đức là hỏng. Đức phải có trước tài”; “Có chí làm thì quyết tìm ra việc và quyết làm được việc”; “Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”.

Đối với các tác phẩm đạt giải, ban tổ chức sẽ đưa về Hàn Quốc để các nghệ nhân tài năng của thành phố Boryeong thể hiện trên bản khắc gỗ và được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 28 đến 30/11/2022 và Văn phòng Tứ Bảo - nơi trưng bày các hiện vật quý liên quan nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc.

Khánh An