Tại Việt Nam, giảm phát thải carbon từ phương tiện giao thông, đặc biệt là ngành ô tô được xác định là giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều cơ chế và chính sách đã được triển khai nhằm khuyến khích phát triển các dòng xe xanh, tiết kiệm năng lượng, dần thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong những năm gần đây, thị trường xe điện tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng đột phá. Riêng năm 2024, số lượng xe điện bán ra đạt khoảng 90.000 chiếc xe thuần điện và 10.000 chiếc xe hybrid, tăng gần 3 lần so với năm 2023 và gấp khoảng 12 lần so với năm 2022.
TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn quốc gia cho rằng, đối với Việt Nam, chúng ta đều dễ dàng nhận ra năng lượng hóa thạch sẽ dần hết và không còn vào tương lai. Vì thế, việc chuyển sang năng lượng điện là cần thiết. Hơn thế, xu hướng người dân sử dụng phương tiện cá nhân tăng cao nên việc kịp thời xanh hóa phương tiện càng nhanh càng tốt, càng ít bị tổn thương trong lĩnh vực năng lượng.

Phát triển xe xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
Theo ông Trần Hữu Minh, để thúc đẩy sự phát triển của xe điện, Việt Nam cần sớm ban hành tiêu chuẩn chung về cổng sạc, cho phép các hãng xe khác nhau sử dụng chung hạ tầng sạc. Đồng thời, ông đề xuất áp dụng quy định bắt buộc chia sẻ trạm sạc giữa các doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa nguồn lực, quỹ đất và hạ tầng.
Ông Minh nhấn mạnh, khi nhà nước cấp phép vị trí, không gian và nguồn điện cho một doanh nghiệp xây dựng trạm sạc, doanh nghiệp đó đã nhận được ưu đãi phát triển do đó cần có chính sách pháp lý buộc họ mở rộng dịch vụ cho tất cả các loại xe điện. Để đảm bảo lợi ích kinh tế, có thể áp dụng mức giá sạc chênh lệch, ví dụ xe của hãng A sạc tại trạm của hãng B sẽ phải trả phí cao hơn 50 - 100%.
Ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông - Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, theo phân loại của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng), xe điện gồm bốn loại chính: HEV (xe hybrid xăng - điện), PHEV (xe hybrid sạc điện), BEV (xe thuần điện) và FCEV (xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro). Điểm chung của các dòng xe này là đều sử dụng động cơ điện, có pin và hệ thống điều khiển nguồn điện.
Ông Đào Công Quyết nhận định phát triển nhanh thị trường ô tô điện là một giải pháp hiệu quả mục tiêu giảm phát thải CO2 và hướng tới Net Zero. Ông đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với xe BEV như ưu đãi thuế và lệ phí trước bạ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch sang xe thuần điện.
Theo đại diện VAMA, xét về tổng thể, để đạt được mục tiêu Net Zero, cần chia lộ trình thành 3 giai đoạn với những sự ưu tiên khác nhau. Trong đó, từ 2022 - 2030 là giai đoạn hòa tan thị trường; 2030 - 2040 phát triển thị trường và sau năm 2040 là phát triển bền vững.
Hiện nay, khi thị trường xe điện vẫn còn nhỏ, VAMA đề xuất mở rộng chính sách ưu đãi không chỉ cho xe BEV mà còn cho các dòng xe điện hóa khác, đặc biệt là xe hybrid. Cụ thể, bên cạnh đề xuất miễn 100% lệ phí trước bạ cho xe BEV, VAMA kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 70% lệ phí trước bạ cho xe PHEV và 50% cho xe HEV nhằm khuyến khích người dân dần chuyển sang sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường.