Trao đổi với sinh viên về việc bảo vệ tầng ozone, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 17/9/2024 | 11:13 GMT+7
Ngày 16/9, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo giao lưu với giảng viên, sinh viên về việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone tại Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, lớp ozone ở tầng bình lưu được coi là tấm lá chắn để che chở cho trái đất khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại do tác động của mặt trời. Tuy nhiên, tầng ozone đã bị thủng và suy giảm nghiêm trọng, gây gia tăng tỷ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể ở người và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái như làm hỏng cây trồng, hoa màu...

Hội đồng đánh giá khoa học về Nghị định thư Montreal đã xác nhận rằng, tầng ozone đang được khôi phục theo lộ trình. Dự kiến các chỗ thủng sẽ trở lại nguyên trạng vào năm 2045 ở Bắc Cực và 2066 ở Nam Cực.

Các chuyên gia tham gia trao đổi tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế cùng sự tham gia tích cực của nhiều cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước để thực hiện tốt việc quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính mà Việt Nam đã cam kết.

Hội thảo lần này là dịp để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời là dịp để các bạn sinh viên có được nhiều thông tin hữu ích, hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ozone, cam kết của Việt Nam với quốc tế, trách nhiệm của mỗi cá nhân và đóng góp vào mục tiêu bảo vệ sự sống, môi trường sống an toàn, lành mạnh.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các chất làm suy giảm tầng ozone được sử dụng rất nhiều trong công nghệ làm mát, ví dụ như các chất CFC, HCFC. Chính vì vậy, trong khuôn khổ thực hiện Nghị định Montreal, Việt Nam luôn tích cực, chủ động trong các hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, loại trừ chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát với mục tiêu giảm dần đến năm 2040, Việt Nam loại trừ các chất gây phá hủy tầng ozone và 80% các chất gây hiệu ứng nhà kính.

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thị Hải Hà, Trưởng bộ môn Kiến trúc môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, các công trình xanh cần được xây dựng theo cách làm mát dựa vào tự nhiên để hạn chế việc sử dụng công nghệ làm mát chứa các chất làm suy giảm tầng ozone. Có thể nghiên cứu, xây dựng những công trình làm mát tự thân dựa vào các yếu tố tự nhiên và khí hậu, bằng việc sử dụng các đặc tính vật lý tự nhiên hoặc vốn có như: đối lưu; cách nhiệt; che nắng, chống bức xạ; khối nhiệt… để thoát khí nóng hay giảm truyền nhiệt nóng từ ngoài và trong nhà.

Chương trình hỏi đáp, giao lưu trao đổi giữa sinh viên với các diễn giả về chủ đề “Chung tay bảo vệ tầng ozone - Vì một tương lai xanh cho Việt Nam” cũng diễn ra trong khuôn khổ hội thảo. Các đại biểu đã trao đổi về tầm quan trọng, những lựa chọn công nghệ thay thế, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, các chất có tiềm năng làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu; từ đó cùng hướng tới tương lai có những hành động mạnh mẽ hơn về bảo vệ tầng ozone, bảo vệ sự sống và khí hậu trên trái đất.

Theo baotainguyenmoitruong.vn