Triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí

Thứ sáu, 25/4/2025 | 15:36 GMT+7
Ngày 25/4, Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tiếp tục các phiên họp bàn về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

Phát biểu tại ngày làm việc thứ hai của hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu nguồn lực thực thi chính sách, thiếu kiến thức và trình độ kỹ thuật khoa học và công nghệ, thiếu mối liên kết đa ngành.

Nhấn mạnh một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến sự gia tăng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, dị ứng, các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, suy tim và một số bệnh về da và niêm mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hướng đến “chủ động phòng ngừa bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường không khí”.

Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh, đây không phải là trách nhiệm riêng của Bộ, ngành nào mà là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp và mỗi người dân.

Quang cảnh hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu sức khỏe trẻ em dẫn kết quả khảo sát nghiên cứu năm 2021 cho biết tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành phố có chất lượng không khí đạt chuẩn QCVN 05:2013 (25µg/m3). Đáng chú ý, không tỉnh, thành phố nào có chất lượng không khí đạt mức quy chuẩn của WHO (5µg/m3). Ô nhiễm không khí có liên quan đến số ca trẻ em nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp ngày càng gia tăng. Sự gia tăng nồng độ bụi PM10, NO2 và SO2 trong mùa khô có liên quan đến việc gia tăng số ca nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ.

Trước tình trạng đáng lo ngại về ô nhiễm không khí, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất 6 giải pháp trọng tâm cần làm ngay.

Thứ nhất là cần thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải.

Thứ hai là cơ quan quản lý, các địa phương siết chặt những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi phương tiện xanh, không phát thải; sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, phương tiện công cộng. Theo ông Lê Hoài Nam, trước mắt, tiêu chuẩn khí thải trong giao thông đang được siết chặt. Cục Môi trường đang xem xét xây dựng quy chuẩn khí thải cụ thể cho xe ô tô, xe gắn máy để sớm ban hành; thiết lập các khu vực hạn chế xe cá nhân trong giờ cao điểm, nhất là tại các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố, qua đó nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm.

Thứ ba là cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho hệ thống quan trắc môi trường.

Thứ tư là các địa phương cần đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp).

Thứ năm là tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chất lượng môi trường không khí.

Giải pháp thứ sáu là các cơ quan chuyên môn cần rà soát, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến chất lượng không khí, trong đó cần xây dựng Luật không khí.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, đại diện Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã giới thiệu dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025 - 2030. Thay vì chỉ tập trung vào kiểm soát, dự thảo lần này hướng đến mục tiêu kép vừa kiềm chế mức độ ô nhiễm ở các đô thị lớn vừa bảo vệ chất lượng không khí tại các khu vực còn trong lành - những vùng trọng điểm cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Điểm nổi bật của kế hoạch là cấu trúc đồng bộ với các nhóm giải pháp theo chuỗi từ nguồn thải đến hành động ứng phó, từ xây dựng chính sách đến truyền thông và hợp tác quốc tế.

Dự thảo đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, triển khai thông qua 32 dự án cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là nhóm nhiệm vụ kiểm kê và kiểm soát nguồn phát thải tại chỗ, ưu tiên trong các ngành xi măng, hóa chất, nhiệt điện và giao thông vận tải. Việc hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là khí thải từ phương tiện giao thông được coi là bước đi cấp thiết nhằm nâng cao năng lực quản lý ở cả trung ương lẫn địa phương.

Ngoài ra, kế hoạch cũng thể hiện tư duy chuyển đổi khi đặt ra định hướng phát triển giao thông xanh và giao thông công cộng tích hợp, học hỏi mô hình “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội để nhân rộng sang các đô thị khác. Kế hoạch cũng nêu các sáng kiến như xây dựng hệ thống cây xanh phân tầng kết hợp phun sương dập bụi, nghiên cứu chọn loài cây có khả năng hấp thụ PM2.5 hay phát triển cảm biến theo dõi bức xạ và bụi mịn.

Bên cạnh đó, dự thảo kế hoạch đề xuất xây dựng một trung tâm chỉ huy phản ứng nhanh nhằm kích hoạt các biện pháp kịp thời khi chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng. Dự thảo cũng xác định vai trò trọng yếu của báo chí, truyền thông và hợp tác quốc tế trong việc nâng cao nhận thức và phản ứng xã hội, nhấn mạnh “không khí sạch là nền tảng cho phát triển bền vững”.

An Vinh (t/h)