Năng lượng tái tạo

TPHCM ưu tiên phát triển phương tiện dùng năng lượng sạch

Thứ năm, 23/11/2017 | 09:55 GMT+7
TPHCM đang phát triển nhiều loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch chạy bằng điện nhằm phục vụ khách du lịch cũng như người dân. Thế nhưng, theo ý kiến nhiều chuyên gia, thành phố cần có nhiều giải pháp mang tính toàn diện để “kéo” người dân đến với các loại hình vận tải công cộng, cả đường thủy lẫn đường bộ.

Lời giải cho bài toán vận tải hành khách

TPHCM hiện nay có 6 tuyến xe buýt điện (còn gọi là xe  buýt dùng năng lượng sạch) đang hoạt động ở khu vực trung tâm thành phố và các quận lân cận, nhằm phục vụ chủ yếu khách du lịch tham quan thành phố. Để đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng điện vào hoạt động vận tải hành khách, Sở Giao thông vận tải vừa tiếp tục đề xuất UBND thành phố thí điểm hoạt động đối với xe bốn bánh gắn động cơ điện chở khách du lịch, đồng thời kết nối với vận tải khách bằng đường thủy nhằm tạo thuận lợi cho du khách cũng như người dân trong việc di chuyển giữa các loại hình vận tải hành khách.

Theo đề xuất, xe bốn bánh chạy bằng động cơ điện sẽ vận chuyển khách du lịch và người dân từ các bến tàu của tuyến vận tải hành khách đường thủy đến các khách sạn, điểm du lịch tiêu biểu và các khu dân cư trên địa bàn thành phố như: các khách sạn New World, Sheraton, Rex, Majestic; chợ Bến Thành; Nhà hát thành phố; Bảo tàng Mỹ thuật thành phố; phố đi bộ Nguyễn Huệ; Khu dân cư An Phú và Thảo Điền (quận 2)… Đơn vị chủ đầu tư sẽ đưa vào sử dụng loại xe từ tám đến 14 chỗ ngồi, với 10 xe hoạt động trên lộ trình ba tuyến đến các địa điểm nói trên, hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày.

Điều đáng nói, vào cuối tháng 11 này, tuyến buýt đường sông số 1 (quận 1 – Thủ Đức) sẽ chính thức đi vào hoạt động sau gần ba tháng chạy thử. Tuyến buýt đường sông đầu tiên này có điểm xuất phát tại bến Bạch Đằng (quận 1) và bến cuối là Linh Đông (Thủ Đức). Hằng ngày, tàu sẽ bắt đầu chạy từ 6 giờ sáng đến 19 giờ 30 phút tối. Tuyến này sẽ có năm tàu buýt, mỗi tàu 80 chỗ hoạt động. Khi đưa vào khai thác, nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng hai phần ba thời gian so buýt đường bộ. Giá vé dự kiến là 15.000 đồng/lượt.

Tuyến buýt đường sông số 2 (quận 1 – quận 6) dài hơn 10km cũng sẽ được triển khai vào đầu năm 2018. Đây là bước đi mà ngành giao thông vận tải thành phố mong muốn nhằm đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách, trong đó, đẩy mạnh sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng sạch để kết nối chặt chẽ với tuyến đường thủy nội địa, giúp người dân và khách du lịch có thêm lựa chọn cũng như sự thuận lợi khi đi lại, nhất là ở khu vực trung tâm.

Cũng theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có sáu tuyến xe buýt điện bốn bánh không trợ giá đang hoạt động thí điểm ở khu vực trung tâm thành phố (quận 1, 3 và 5) và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Cụ thể, ba tuyến xe buýt điện là tuyến D1 hoạt động ở khu vực trung tâm; các tuyến D2 và tuyến D3 hoạt động ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Xe buýt điện chạy ở khu vực trung tâm thành phố là loại 14 chỗ ngồi, thân thiện môi trường, hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ hằng ngày, thời gian giữa các chuyến là 30 phút, với 70 chuyến/ngày. Đối với tuyến D2 và D3 là loại xe có sức chở từ 11 đến 15 chỗ, chạy 56 chuyến/ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 21 giờ 45 phút tối, thời gian giãn cách giữa các chuyến là 30 phút.

Ba tuyến xe điện còn lại vận chuyển khách du lịch theo hình thức hợp đồng trong vòng ba năm ở khu vực trung tâm thành phố, sử dụng xe bốn bánh chạy bằng điện, từ tám đến 14 chỗ ngồi, với số lượng 20 xe. Thời gian hoạt động của ba tuyến này từ 8 đến 16 giờ và từ 19 đến 23 giờ hằng ngày. Giá vé suốt tuyến là 12.000 đồng/lượt; đi nửa lộ trình là 6.000 đồng/lượt.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, việc thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng động cơ điện hoạt động trong phạm vi hạn chế là phù hợp và rất cần thiết để phục vụ người dân đi lại và du khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Qua đó, nhằm phát huy hiệu quả của tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy, góp phần kéo giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

Cần nhiều giải pháp toàn diện

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch là xu thế tương lai. Đặc biệt, thành phố phấn đấu đến năm 2020, loại hình vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, trong đó, xe buýt và taxi chiếm khoảng 17% nhu cầu, 3% còn lại là loại hình vận tải khác như: Đường sắt đô thị, xe điện mặt đất, buýt nhanh, buýt đường sông…

Trao đổi ý kiến với phóng viên, Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho rằng, ngoài việc phát triển nhiều phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động vận tải hành khách, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần đưa ra nhiều chính sách phát triển mang tính bao trùm và toàn diện để vừa phát triển vận tải hành khách công cộng vừa kết nối các loại hình vận tải chặt chẽ với nhau.

Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, giải pháp tổng thể có thể gọi vắn tắt là “đẩy” và “kéo”. Theo đó, giải pháp “đẩy” sẽ là chính sách hạn chế xe cá nhân như: hạn chế đăng ký sở hữu xe cá nhân (tăng trước bạ, tăng thuế…); hạn chế sử dụng xe cá nhân (thu phí lưu hành, phí đậu xe); tái cấu trúc đô thị và không gian kinh tế (sắp xếp trật tự vỉa hè, cải thiện trạm nhà chờ xe buýt hợp lý…). Giải pháp “kéo” là phải đẩy mạnh đổi mới phương tiện và sắp xếp luồng tuyến hợp lý; cải thiện hạ tầng, dịch vụ, chất lượng phục vụ xe buýt; tinh gọn bộ máy quản lý, có nhiều chính sách phát triển phù hợp thực tế (hỗ trợ lãi vay, đẩy mạnh quảng cáo trên xe buýt, trợ giá…); hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh và đường sắt đô thị nhằm kết nối với các tuyến vận tải hành khách công cộng hiện hữu, kéo người dân đi lại nhiều hơn.

Còn theo Ths, KS Hồ Phú Khánh, Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam, để kết nối liên thông và tạo thuận lợi cho khách du lịch cũng như người dân đi lại, TPHCM cần ưu tiên phát triển vận tải đường thủy và kết nối với vận tải đường bộ. Đó cũng là cách kéo người dân tham gia nhiều hơn đối với các loại hình vận tải công cộng này, góp phần giảm tải hạ tầng giao thông. Về đường thủy, hiện thành phố có mạng lưới giao thông đường thủy với chiều dài gần 1.000 km gồm: bảy tuyến hàng hải dài gần 160km; chín tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài hơn 200 km và 94 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài hơn 610 km. Thành phố cần phát huy tối đa lợi thế sẵn có này. Cụ thể, xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các công trình giao thông thủy như: cầu cảng, cầu phao, bến cảng, bến sông, bến phà; đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện vận tải thủy. Đối với hệ thống tĩnh không các công trình trên các tuyến đường thủy trọng điểm chưa tương xứng với tiềm năng, chính quyền thành phố cần đầu tư xây dựng để nâng cao hiệu quả khai thác. Song song đó, cần mở rộng mạng lưới đường bộ kết nối các bến cảng, bến thủy nội địa, đặc biệt là các tuyến vận tải hành khách phục vụ người dân và khách du lịch đi lại, tham quan thành phố.

Để hiện thực hóa kế hoạch trên, theo các chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông, trước hết là TPHCM cần chủ động kêu gọi nguồn vốn đầu tư của xã hội với nhiều hình thức thu hút, cơ chế thông thoáng và linh hoạt hơn. Đây cũng là cách xóa bỏ rào cản lớn nhất của các nhà đầu tư khi bỏ số tiền lớn ra đầu tư mà khả năng thu hồi rất khó khăn.

Theo UBND TPHCM, giai đoạn 2017 - 2020, để phát triển hệ thống giao thông thủy, chính quyền thành phố dự tính sẽ bố trí ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển mạng lưới đường thủy. Qua đó sẽ đáp ứng tĩnh không thông thuyền; phát triển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; nạo vét, khai thông các tuyến nối sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đến các cảng biển… Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng khép kín các tuyến đường bộ vành đai, đường xuyên tâm nhằm kết nối liên hoàn với đường thủy.

Theo nhandan.com.vn