Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1.000 tấn anode để bảo vệ chống ăn mòn cho các công trình, dự án dầu khí. Vì vậy, việc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) tự sản xuất được anode sẽ tiết kiệm gần 4,5 triệu USD/năm cho đất nước.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lê Hiền, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (CTAT) cho biết, từ công nghệ sản xuất anode hy sinh hợp kim nhôm chống ăn mòn, VPI đã chuẩn hóa thành phần anode hy sinh hợp kim nhôm al-zn-in và liên tục tối ưu quy trình công nghệ luyện kim, nấu luyện, ủ nhiệt... để cho ra các sản phẩm anode có chất lượng cao.
Sản phẩm được Tổ chức kiểm định quốc tế Det Norske Veritas (DNV) đánh giá đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế DNV RP B401, được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam (Quatest 1) kiểm định, đánh giá đạt các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế và có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu.
Chỉ tính riêng lĩnh vực dầu khí, trước đây mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1.000 tấn anode để bảo vệ chống ăn mòn cho các công trình, dự án dầu khí, vì vậy việc VPI tự sản xuất được anode sẽ tiết kiệm gần 4,5 triệu USD/năm cho đất nước.
VPI vừa cung cấp hàng chục tấn anode cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro để triển khai dự án phát triển mỏ Cá Tầm, thuộc lô 9-3/12, bể Cửu Long, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, bảo vệ chống ăn mòn cho chân đế giàn CTC1, bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế và góp phần bảo đảm tiến độ đưa mỏ Cá Tầm vào khai thác trong quý IV/2018.
Đình Tú