Hội thảo nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích Phủ Chủ tịch) ngày càng sâu rộng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0.
Thực tế chứng minh, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn và có đời sống văn hóa, tinh thần trên không gian mạng khá phong phú, đa chiều bởi khả năng tiếp nhận thông tin nhanh chóng, nhạy bén với công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội và các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0. Đây là cơ hội cũng là thách thức trong việc tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Thời gian qua, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã chủ động phối hợp với các nhà trường, học viện nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh, sinh viên; không ngừng nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền gắn liền với việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đối tượng học sinh, sinh viên. Quan tâm, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ làm công tác tuyên truyền; đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các phương pháp hiện đại cho nâng cao năng lực thích ứng với yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo hiện đại.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2023/7/10/giao-duc-di-san-2-20230710182737254.jpg)
Hội thảo khoa học "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch"
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch cho biết, ứng dụng công nghệ xây dựng các chương trình giáo dục là vấn đề mới đối với các bảo tàng và di tích ở Việt Nam. Trong không gian di tích lịch sử văn hóa Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch mong muốn các nhà khoa học, các cán bộ quản lý văn hóa cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề lý luận và thực tiễn như: di sản Hồ Chí Minh và giáo dục thế hệ trẻ; hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay; ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và khu di tích. Từ những ý kiến đóng góp và sáng kiến tại hội thảo, Khu di tích sẽ xây dựng chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh.
Theo bà Cù Thị Minh (Khu di tích Phủ Chủ tịch), Khu di tích hiện không chỉ là di sản mà còn là đối tượng, phương tiện thực hiện các hoạt động giáo dục, ngoại giao văn hóa, nhất là khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đây là một trong những "kênh" tạo nên "sức mạnh mềm", góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời Khu di tích Phủ Chủ tịch còn là nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.
Hiện nay, công tác tuyên truyền lan tỏa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng đa dạng hóa về hình thức, đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh phương thức thuyết minh truyền thống, Khu di tích ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nhiều chuyên đề nói chuyện tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước; nâng cấp hệ thống website, tiến hành xây dựng chương trình giáo dục di sản dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; xây dựng được các tour tham quan ảo để phục vụ du khách trong nước và quốc tế không có điều kiện đến thăm trực tiếp… góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, quảng bá Khu di tích, cũng như những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ.