Vấn đề môi trường và năng lượng sạch trong dự thảo Quy hoạch điện VIII

Thứ hai, 31/5/2021 | 13:17 GMT+7
Ngày 31/5, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức tọa đàm “Quy hoạch điện VIII: Những đột phá kỳ vọng” theo hình thức trực tuyến.

Mở đầu tọa đàm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch VSEA giới thiệu sơ lược tình hình năng lượng Việt Nam; những bất cập và đột phá để đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch điện VIII; kiến nghị của VSEA. Theo bà Khanh, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII ngày 22/2/2021 và dự thảo Quyết định phê duyệt trình Thủ tướng ngày 26/3/2021, công suất năng lượng tái tạo gần như không thay đổi. Hơn nữa, tổng công suất điện mặt trời bổ sung trong giai đoạn 2021 - 2045, cập nhật ngày 26/3/2021 là 38,5GW, giảm 100MW so với dự thảo Quy hoạch điện VIII ngày 22/2/2021.

Hạn chế phát triển điện mặt trời trong 10 năm tới là hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư mới. Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời thì vừa lãng phí điện mặt trời vừa lặp lại bài học đắt giá về sự chậm chễ trong chính sách của Quy hoạch điện VII, bà Khanh đánh giá.

Từ đây, bà Khanh kiến nghị, cần tập trung vào các giải pháp chính sách đột phá về phát triển lưới điện, đẩy nhanh hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng bền vững.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) đã trình bày kết quả nghiên cứu về sức khỏe môi trường trong ô nhiễm không khí liên quan đến sản xuất năng lượng hóa thạch ở hai xã Vĩnh Tân và Phước Thể (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Ông Nguyễn Trọng An phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến

Ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, chất thải công nghiệp và sản xuất năng lượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. “Ung thư, tai biến và đột quỵ là ba nguyên nhân tử vong chiếm tỷ lệ cao tại xã Vĩnh Tân trong 3 năm 2018 - 2020. Tại xã Phước Thể, năm 2020, ung thư là nguyên nhân gây tử vong chiếm tỷ lệ cao nhất với 31,7%; thứ hai là tai biến (22%); sau đó là đột quỵ (15,9%)...”, ông cho biết. 

Từ đây, ông An đưa ra kết luận, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn là nhân tố chính khiến tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm tăng cao. Cần có chính sách giải quyết tình trạng này để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, giảm tổn thất kinh tế do chi phí khám chữa bệnh, tăng tuổi thọ người lao động và người dân các vùng lân cận.

Về vấn đề ô nhiễm không khí, TS. Trần Bá Quốc, Đại học Duy Tân Đà Nẵng chỉ ra mối tương quan giữa ô nhiễm môi trường không khí với dịch bệnh Covid-19, trong đó đưa ra nhiều dẫn chứng về sự gia tăng của ô nhiễm không khí tỷ lệ thuận với số lượng người mắc Covid-19.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luật sư Nguyễn Tiến Lập và một số chuyên gia cùng tham gia thảo luận về vấn đề pháp lý, góc nhìn chính sách liên quan đến năng lượng sạch và môi trường trong Quy hoạch điện VIII.

Đại diện các doanh nghiệp cung cấp giải pháp phát triển năng lượng; đại diện chương trình Năng lượng bền vững của GreenID đã cùng đề xuất một số giải pháp tiềm năng cần được thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững.

Theo đó, tại tọa đàm, đại diện GreenID trình bày kết quả thành công bước đầu của mô hình sản xuất, trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản dưới hệ thống giàn pin năng lượng mặt trời. Điều này vừa nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất vừa tiết kiệm quỹ đất. Từ đây kiến nghị cần có cơ chế chính sách riêng cho mô hình trên; cũng như đề nghị xem xét, “mở đường” đưa vào Quy hoạch điện VIII để thúc đẩy sử dụng nguồn điện tự sản xuất trong nhân dân, giảm gánh nặng cho người nông dân.

Kết thúc tọa đàm, đại diên Trung tâm Truyền thông và Giáo dục cộng đồng đã phát động Giải Sáng tạo xanh nhằm đẩy mạnh, khuyến khích nhiều sáng kiến mới giúp phát triển nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Thanh Tâm