Không phát triển điện hạt nhân thì Việt Nam không thể tiến đến năng lượng xanh và sạch. Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề quan trọng nhất là phải hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi đủ năng lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân an toàn, hiệu quả và bền vững.
Hình thành đội ngũ chuyên gia
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tập trung nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có điện hạt nhân. Viện cũng là nơi hội tụ, tập trung đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân hàng đầu cả nước.
Với năng lực của mình, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia đào tạo đội ngũ quản lý, vận hành, nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho việc bảo đảm chất lượng trong triển khai xây dựng, đưa vào vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Cùng với đó, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ đảm bảo an toàn, hỗ trợ hình thành đội ngũ các chuyên gia giỏi không ngừng lớn mạnh trong tương lai để sẵn sàng đồng hành trong quá trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân an toàn, bền vững của đất nước.
Hiện nay, Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân sau 8 năm tạm dừng là cơ hội tốt cho ngành hạt nhân nhưng để có thể thực hiện thành công chương trình phát triển điện hạt nhân, cần phải có những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này. Đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, quản lý, vận hành thành thạo về công nghệ, tinh thông khoa học, về các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp cho việc bảo đảm chất lượng khi triển khai xây dựng, đưa vào vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân.

Ảnh minh họa
Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân cho rằng: Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân thì Việt Nam phải tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực, đội ngũ chuyên gia đủ năng lực triển khai dự án. Hiện Việt Nam đã có đội ngũ khoảng 400 người trong lĩnh vực điện hạt nhân, nhưng để có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, phải gấp rút đào tạo thêm nhân lực và mỗi năm đối tác phải có trách nhiệm đào tạo tiếp để đủ nhân lực tới khi vận hành nhà máy.
Bên cạnh đó, vấn đề chính của nhân lực là cần những người đứng đầu các cơ quan pháp quy với hệ thống pháp quy phù hợp đủ năng lực xét duyệt, đánh giá các vấn đề đối tác đưa ra.
Theo chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân thì nhân lực là một trong những cơ sở quan trọng, bảo đảm sự thành công của dự án phải được “đi trước” một bước. Trong nguồn nhân lực thì đội ngũ chuyên gia giỏi mang tính “cấp thiết” bởi thực tế, vấn đề an toàn điện hạt nhân chủ yếu liên quan đến yếu tố con người. Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực để có thể làm chủ quá trình, nắm bắt, hiểu biết về công nghệ, thiết kế, tính toán phân tích và giám sát an toàn…
Theo kinh nghiệm của các nước khi triển khai công trình điện hạt nhân, đơn vị tổng thầu sẽ bắt đầu từ khâu thiết kế cơ sở, sau đó thiết kế kỹ thuật, triển khai xây dựng để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất. Trong ngành hạt nhân, không thể một công ty làm thiết kế cơ sở, rồi chuyển cho công ty khác tiếp tục triển khai thiết kế kỹ thuật vì như vậy sẽ không xuyên suốt và không đảm bảo vấn đề an toàn.
Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết thêm: Từ hàng chục năm trước. Việt Nam đã tính đến vấn đề điện hạt nhân và chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia khi cử cán bộ của Viện, của các đơn vị trong lĩnh vực nguyên tử, an toàn bức xạ… đi đào tạo ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga) và các nước xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, Việt Nam có quan hệ hợp tác quốc tế với các nước đang phát triển điện hạt nhân và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nên đã từng bước hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi để có thể hỗ trợ trong triển khai dự án điện hạt nhân. Viện cũng tiếp tục đồng hành, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nay là Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đào tạo, hỗ trợ hình thành đội ngũ các chuyên gia giỏi trong quá trình phát triển điện hạt nhân an toàn, bền vững.
Điện hạt nhân – con đường nhanh nhất tiến đến năng lượng xanh và sạch
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng: Điện hạt nhân là con đường nhanh nhất tiến đến năng lượng xanh và sạch, đồng thời, điện hạt nhân góp phần thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật, công nghiệp. Đặc biệt, nguồn năng lượng này không phát thải CO2, góp phần tăng trưởng phát triển xanh, bền vững. Ngoài ra, khi Việt Nam không còn điện than thì phát triển điện hạt nhân thay thế sẽ tạo nguồn điện nền ổn định cho các công nghệ xanh khác phát triển.
Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nên phải tính đến định hướng phát triển để đạt được một số lượng lò nhất định để đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân bền vững, có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, với vai trò là đơn vị tư vấn, nghiên cứu công nghệ và an toàn điện hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhận thấy năng lực của Việt Nam để triển khai phát triển điện hạt nhân vẫn còn hạn chế. Ở thời điểm hiện nay, Việt Nam chỉ có thể triển khai 2 - 4 lò. Trong giai đoạn sau, Việt Nam cần xây dựng một chương trình phát triển điện hạt nhân đầy đủ, bài bản và dài hạn hơn.
Việt Nam đang tích cực chuẩn bị triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng công nghệ điện hạt nhân cho giai đoạn bắt đầu phải là công nghệ III+ đã được triển khai xây dựng ở nhiều nơi trên thế giới, có công suất lắp đặt lớn, đảm bảo nhu cầu điện năng cho Việt Nam trong thời gian đầu.
Ông Trần Chí Thành nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững, đưa khoa học, công nghệ và ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.