Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu rộng về các vấn đề song phương, khu vực, quốc tế cùng quan tâm trong bầu không khí tin cậy, chân thành và thân mật. Trước những tác động tiêu cực của các thách thức địa chính trị đối với các nước đang phát triển hiện nay, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ quyết tâm tăng cường quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong mọi lĩnh vực, trong đó có an ninh, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và giao lưu nhân dân, nhằm giảm thiểu các tác động từ các yếu tố bên ngoài này.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc hai nước tiếp tục duy trì tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn các cấp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, bất chấp các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra trong những năm qua. Hai nhà lãnh đạo đặc biệt ghi nhận thành công của kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương (JCBC) năm 2021, kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp thương mại (JTC) năm 2022 và Diễn đàn năng lượng Việt Nam - Thái Lan (VTEF) lần thứ 2 tổ chức tại Thái Lan năm 2022.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan và hoan nghênh việc kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2023. Hai nhà lãnh đạo tin tưởng đối với những tiềm năng to lớn trong việc phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược và nhất trí mở ra chương mới của quan hệ Đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022 - 2027, nhằm định hướng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trong thập kỷ tới.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng đã chứng kiến lễ ký kết một loạt các văn kiện hợp tác.
Hai lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng cùng lợi ích và quan tâm. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha chứng kiến lễ ký Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan
Về thương mại, hai lãnh đạo bày tỏ hài lòng khi thương mại song phương tăng trưởng theo hướng ngày càng cân bằng và hướng tới mục tiêu kim ngạch hai chiều đạt 25 tỷ USD vào 2025.
Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và Việt Nam là đối tác thương mại thứ lớn thứ hai của Thái Lan trong khu vực. Kim ngạch thương mại hai nước đạt 18,8 tỷ USD năm ngoái, tăng 18% so với cùng kỳ 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 17,8 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Hai lãnh đạo giao các cơ quan liên quan đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuyên biên giới và quá cảnh hàng hóa sang nước thứ ba. Hai bên cũng nhất trí giải quyết các vướng mắc về đầu tư, nghiên cứu các lĩnh vực hợp tác mới, nhất là kinh tế số, thương mại điện tử.
Lãnh đạo Việt Nam - Thái Lan coi trọng thúc đẩy, tạo thuận lợi và bảo hộ đầu tư ở mỗi nước. Thái Lan hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 của Việt Nam, với tổng giá trị hơn 13 tỷ USD tính tới 2021.
Hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường thông qua chiến lược "Ba kết nối" bao gồm:
Kết nối các chuỗi cung ứng của hai nước, nhất là trong các ngành công nghiệp bổ trợ, cùng có lợi như: hóa dầu, nông nghiệp, máy móc và phụ tùng điện tử.
Kết nối các ngành kinh tế cơ sở của hai nước, nhất là tăng cường liên kết kinh doanh trực tiếp và trao đổi giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như với doanh nhân địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế xuyên biên giới ở cấp địa phương.
Kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững giữa Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và Mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) của Thái Lan, góp phần giúp hai nước đạt mục tiêu xây dựng xã hội carbon thấp, thân thiện với môi trường.
Việt Nam - Thái Lan nhất trí phát huy khuôn khổ thành phố kết nghĩa giữa các địa phương nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân. Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác và kết nghĩa với các địa phương Thái Lan.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp lập trường trong các cơ chế hợp tác ở Tiểu vùng sông Mekong và các khuôn khổ khác. Hai nhà lãnh đạo nhất trí Việt Nam và Thái Lan sẽ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy đoàn kết, vai trò trung tâm và các nỗ lực của ASEAN trong giải quyết các vấn đề mới nổi.
Hai bên cam kết ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).