Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn “nóng”
Việc các địa phương triển khai xây dựng vùng sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm đã làm giảm đáng kể vi phạm về an toàn thực phẩm, nhưng tình trạng này chưa được xử lý triệt để. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong 10 tháng năm 2022, Chi cục đã lấy 1.538 mẫu sản phẩm nông nghiệp. Kết quả kiểm định 1.355 mẫu, có 1.269 mẫu đạt yêu cầu (chiếm 93,6%), 86 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm...
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, trong 10 tháng năm 2022, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm có giảm nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Đối với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đã cảnh báo và xử lý theo quy định.
Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm vẫn tồn tại là do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn cả nước lớn nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Công nghệ sản xuất, chế biến chủ yếu theo phương pháp thủ công nên việc bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý chất lượng nguyên liệu, vật tư nông nghiệp ở một số địa phương vào một số thời điểm chưa được thực hiện nghiêm túc...
Tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Giám sát chất lượng sản phẩm từ “gốc“
Trong những tháng cuối năm 2022, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề cần được quan tâm, khi nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân tăng cao, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác hậu kiểm, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
Theo Giám đốc Công ty CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô có thể tăng 10 - 30%. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, các cơ quan chức năng cần kiểm tra từ “gốc”; đồng thời hình thành vùng sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ, qua đó giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện, xã, phường... đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị để tránh chồng chéo trong công tác.
Mặt khác, các địa phương cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố. Từ đó thay đổi hành vi của cá nhân, tập thể trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng…
Cùng với việc phối hợp với các địa phương tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và ổn định thị trường nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, thời gian tới, cơ quan chức năng của Bộ và các địa phương sẽ tập trung vận động cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ... ký cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Bộ cũng sẽ tăng cường thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Qua đây, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động “hậu kiểm”, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; kịp thời kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang.
Trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản của người dân tăng cao, do vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần chú trọng kiểm tra, xử lý các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn tại các địa bàn vùng giáp biên, các chợ đầu mối; đồng thời đẩy mạnh việc giám sát chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến quá trình tiêu thụ trên thị trường.