Kinh tế xanh

Việt Nam cam kết hành động vì mục tiêu Net Zero

Thứ năm, 23/5/2024 | 15:04 GMT+7
Trong khuôn khổ Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, ngày 22/5, tọa đàm "Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững" diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hành động để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Để đạt được cam kết đó, Việt Nam đã điều chỉnh Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) lần thứ 3, đề xuất giảm phát thải về 3,5% cho đến năm 2030 nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Bên cạnh đó, các Bộ, ban, ngành, Chính phủ đã chỉ đạo để giảm phát thải trong những lĩnh vực theo cam kết, đặc biệt là năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, rác thải. 

Quang cảnh tọa đàm

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, hiện nay, thế giới thay đổi theo hướng giảm phát thải và ứng phó với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn gồm: ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động đến môi trường, hạn chế giảm tổn thất liên quan đến đa dạng sinh học.

Việt Nam được coi là một trong những nước đi đầu tại Đông Nam Á về thể chế hóa kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Với yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đang dần thay đổi cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải...

Được biết, các nước phát triển đã dựng các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026 để thúc đẩy các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, thực hiện giảm phát thải. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa trong doanh nghiệp sản xuất.

Do đó, để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín. Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đối với việc xây dựng tương lai xanh, an toàn, thịnh vượng cho thế hệ mai sau.

Diễn đàn ESG Việt Nam 2024 là cơ hội để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực ESG tại Việt Nam. Diễn đàn quy tụ các chuyên gia đầu ngành, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư uy tín, mang đến những góc nhìn đa chiều và những giải pháp thiết thực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cùng chia sẻ về những nỗ lực thực hiện cam kết trên tiến trình triển khai mục tiêu Net Zero năm 2050 cũng như bức tranh ESG tại Việt Nam với nhiều điểm sáng, thách thức.

Theo ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), với tư cách là đơn vị đồng hành với doanh nghiệp, đơn vị nhận thấy câu chuyện chuyển đổi xanh không còn là tự nguyện mà dần trở thành xu thế bắt buộc. Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp Việt đã nhận thức được điều đó nhưng hầu hết chưa có chuẩn bị gì. Do đó, ông Bùi Thanh Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của “3T” (Tâm thế chủ doanh nghiệp; Thông tin đến doanh nghiệp nằm trong danh sách phải kiểm kê khí thải nhà kính; Tài chính cho công cuộc chuyển đổi xanh).

ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội. Đây là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện môi trường, xã hội và quản trị, sẽ giữ vai trò quan trọng, đảm bảo trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Lam An (T/H)