Kinh tế xanh

Vương quốc Anh hỗ trợ xây dựng năng lực tài chính khí hậu tại Việt Nam

Thứ tư, 22/5/2024 | 16:27 GMT+7
Ngày 22 - 23/5, Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland phối hợp với PwC Việt Nam tổ chức tổng kết chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu Việt Nam (CFA) giai đoạn 2 tại TPHCM.

Chương trình CFA được triển khai ở 10 quốc gia (Colombia, Nigeria, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Peru, Pakistan, Ai Cập, Uganda, Việt Nam) với mục tiêu xây dựng nguồn dự án carbon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia. Chương trình là một trong những nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ hành động vì khí hậu ở quy mô toàn cầu, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính và hỗ trợ Chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về khí hậu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris.

Tại Việt Nam, giai đoạn 1 của chương trình có 9 dự án carbon thấp đã được lựa chọn tham gia, kết quả đã tiếp cận được 25 nhà đầu tư và tổ chức tài chính trong nước, quốc tế để hợp tác phát triển dự án.

Trong giai đoạn 2 được khởi động từ cuối năm 2023, có tổng số 36 dự án trên khắp cả nước đăng ký tham gia; trong đó có 10 dự án carbon thấp trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, phương tiện giao thông, sản xuất sản phẩm sinh học thân thiện môi trường... Dự kiến, khi kết thúc chương trình, các dự án này sẽ huy động được 280 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế và trong nước.

Dự án carbon thấp sản xuất sản phẩm sinh học thân thiện môi trường

Các dự án gồm: Nuôi tôm có trách nhiệm, thân thiện với môi trường (Công ty Apenh Việt Đan); Nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các sản phẩm tự hủy sinh học thân thiện với môi trường (Công ty Babio Green); Hệ sinh thái toàn diện bao gồm việc trồng rừng - sản xuất - nhà máy điện sinh khối (CME Biomass); Xanh hóa chuỗi giá trị chăn nuôi và phát triển mô hình cho thuê tín dụng carbon (Công ty Dược phẩm quốc tế Đại Việt); Cung cấp giải pháp số cho quản lý rác và tái chế tại Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn (Grac); Tạo ra nguồn protein bền vững và lành mạnh hơn từ nấm và thực vật (Công ty Emmay); Tái chế rác thải nhựa có giá trị thấp và khó tái chế (Liên doanh Lagom Việt Nam và UUP! UpCycling Plastic); Hệ sinh thái xe điện dành cho giao thông đô thị (Công ty Phương tiện điện thông minh Selex); Ứng dụng công nghệ sinh học theo định hướng không chất thải (Công ty Việt Nam Food).

Thời gian qua, các dự án đã được các bên liên quan thuộc chương trình CFA hỗ trợ xây dựng năng lực về tài chính, kỹ thuật, các vấn đề xã hội như: việc làm, bình đẳng giới.

Sau khi nghe các đơn vị phát triển dự án trình bày tại buổi làm việc, nhiều tổ chức tài chính quốc tế và trong nước cho biết sẽ nghiên cứu rót vốn hỗ trợ phát triển các dự án. 

Phát biểu tại sự kiện, bà Emily Hamblim, Tổng lãnh sự quán Anh tại TPHCM cho biết, Chính phủ Anh đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam về cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam để thực hiện những mục tiêu môi trường bằng cách tích cực tham gia vận động tài chính cho Tuyên bố đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam (JETP); hỗ trợ kỹ thuật, kêu gọi nguồn tài chính cho các dự án xanh có tiềm năng.

Chính thức được công bố tại Việt Nam vào năm 2022, chương trình CFA được hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bởi Chính phủ Vương quốc Anh nhằm ứng phó trực tiếp với tình trạng khẩn cấp và ảnh hưởng lan rộng của biến đổi khí hậu. Chương trình tập hợp các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho những dự án khí hậu quy mô lớn, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, mô hình tài chính và chuẩn bị nội dung thuyết phục nhà đầu tư, tư vấn để tăng cường bình đẳng giới, hòa nhập xã hội.

Đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện là 11,8 triệu Bảng Anh, do Quỹ Tài chính khí hậu quốc tế của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Bộ An ninh Năng lượng và Phát thải ròng bằng “0”.

Khả Như (T/H)