Kinh tế xanh

Thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Thứ ba, 7/5/2024 | 10:26 GMT+7
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 202/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo thông báo, việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam còn hạn chế, bất cập: một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra chưa đạt được; việc thực hiện chủ trương phát triển nhiều ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; sự liên kết giữa các vùng biển, giữa địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển… Hoạt động của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; đổi mới, tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa, đầu tư hơn nữa cho việc thực hiện chiến lược, trong đó cần tạo sự đột phá về cách thức chỉ đạo thực hiện chiến lược, cần thiết thành lập các nhóm công tác chuyên đề của Ủy ban chỉ đạo để giúp nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển; tham mưu chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ, đề án, dự án phát triển bền vững kinh tế biển; đề xuất phương án giải quyết vấn đề vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chiến lược; tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chiến lược tại các Bộ, ngành và địa phương có biển.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương có biển cần sớm hoàn thiện, triển khai quy hoạch liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính liên kết trong việc phát triển ngành kinh tế nói chung với phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tham mưu Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Chương trình truyền thông biển và đại dương đến năm 2030 nhằm đạt được sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của các cấp và người dân về tầm quan trọng của việc thực hiện chiến lược. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên môi trường biển và hải đảo (nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ sau khi được phê duyệt).

Bộ cũng cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá công tác chỉ đạo của Ủy ban để trình Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia xem xét, quyết định; khẩn trương rà soát thành phần Ủy ban, nắm chắc danh sách các thành viên, trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền kiện toàn Ủy ban chỉ đạo quốc gia; xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia xem xét, phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của Ủy ban.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc hoạt động của các nhóm công tác chuyên đề khi được Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quyết định thành lập; chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chiến lược tại Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Mặt khác, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy chế làm việc của Ủy ban chỉ đạo nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của Ủy ban, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo của Ủy ban. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất ban hành quy định về cơ chế điều phối đa ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi ngành; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ngọc Huyền (T/H)