Kinh tế xanh

Xây dựng thị trường carbon gắn với mục tiêu giảm phát thải ròng

Thứ tư, 15/5/2024 | 14:39 GMT+7
Tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa tổ chức tọa đàm Phát triển thị trường carbon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam.

Thông tin tại tọa đàm, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Nguyễn Đình Thọ cho biết, Bộ TN&MT rất quan tâm đến vấn đề thị trường carbon và cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng “0”. Từ khi tổ chức xây dựng thị trường carbon, thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, xây dựng cơ chế về công nghệ sạch, Việt Nam đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc thực hiện kiểm kê, báo cáo và xác nhận chứng chỉ liên quan đến thị trường carbon giai đoạn từ 2018 – 2020.

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, việc thực hiện kiểm kê carbon có rất nhiều những rủi ro liên quan đến đo lường phát thải carbon. Do đó, để thực hiện được việc giao dịch các tín chỉ carbon, dòng chảy phát thải, Việt Nam cần các phương pháp ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như quy trình chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành.

Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành đưa ra những thảo luận, phương án tháo gỡ nút thắt còn tồn tại liên quan đến phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Phát triển thị trường carbon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

Theo TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tổ chức thực hiện Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS), Việt Nam xây dựng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo từng lĩnh vực, trong đó tổng lượng giảm phát thải năm 2030 ước tính đạt 563.8 triệu tấn CO2, lâm nghiệp chiếm đến 62% và nông nghiệp chiếm 38%.

Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERP) đã được thực hiện từ năm 2014 đến nay tại 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, với 2,8 triệu ha rừng và 2,1 triệu ha rừng tự nhiên. Thông qua chương trình, Việt Nam đã xác định được nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ như: tăng cường điều kiện cần thiết cho giảm phát thải thông qua chuyển đổi rừng tự nhiên và thực thi pháp luật quản trị rừng bền vững; tăng cường chất lượng rừng thông qua bảo vệ, phục hồi nâng cao rừng tự nhiên hiện có và nâng cao trữ lượng rừng trồng; thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng...

Để phát triển thị trường carbon cũng như đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, ông Vũ Tấn Phương đề xuất một số phương án như: xây dựng khung pháp lý rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định; đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu phục vụ đo đạc, báo cáo thẩm định, chia sẻ lợi ích, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội; tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường carbon, đảm bảo hiệu quả thực hiện.

Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu Phạm Thị Thanh Ngà góp ý, cần lên kế hoạch lộ trình dài hạn cho việc đẩy mạnh thị trường thương mại carbon trong lâm nghiệp như phát triển rừng tự nhiên, rừng ngập mặn, cây công nghiệp hay trong sản xuất nông nghiệp...

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, từ Chương trình ERP, Việt Nam đã ghi nhận một số thành tựu đáng kể tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ liên quan đến công tác kiểm kê báo cáo và xác nhận phát thải carbon. Hiện nay, quy mô của thị trường tự nguyện chỉ khoảng 2 tỷ USD, chưa đến 2% của thị trường tín chỉ carbon. Do đó, để hình thành thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện trong thời gian tới, Việt Nam cần phải triển khai định giá giao dịch tín chỉ carbon. Kiểm toán Nhà nước cũng cần tham gia để sớm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng một thị trường carbon vững mạnh tại Việt Nam.

Trong bối cảnh chung toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã chính thức đưa ra các yêu cầu bắt buộc về phát triển bền vững, trong đó có nội dung về biên giới carbon ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thách thức, cũng là cơ hội để Việt Nam phát hành, giao dịch tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần phục vụ việc quản lý của Nhà nước, định hướng nghiên cứu, đồng thời cần duy trì chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.

Lam An (T/H)