Môi trường (old)

Việt Nam cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH

Thứ hai, 3/7/2017 | 08:58 GMT+7
Ngày 28 tháng 6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMUB) ủy quyền Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo khởi động quá trình rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì.

Tham dự Hội thảo gồm các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; thành viên của Hội đồng tư vấn cho Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; đại diện các Bộ, ngành, các đối tác phát triển quốc tế, các đại sứ quán, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế và đại diện các cơ quan truyền thông.

Thỏa thuận Paris là Thỏa thuận lịch sử, được thông qua vào tháng 12 năm 2015, là văn bản pháp lý đầu tiên ràng buộc trách nhiệm và cam kết - thông qua NDC - của mỗi quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo Thỏa thuận, các quốc gia được kì vọng trình NDC cập nhật 5 năm một lần, xác định cam kết của mình nhằm góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2°C vào cuối thế kỷ; nỗ lực để hướng tới ngưỡng 1,5°C và phát thải bằng không vào nửa sau của thế kỷ này.

Do tầm quan trọng của việc thực hiện NDC đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 199 / TTg-QHQT ngày 8 tháng 2 năm 2017 và tại kỳ họp thứ 8 của Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu vào ngày 18 tháng 5 năm 2017 đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và các bên liên quan rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam.

Hội thảo nhằm tham khảo ý kiến về nội dung, lộ trình và vai trò của các bên liên quan trong việc rà soát, cập nhật NDC từ nay đến 2020. Thông qua việc rà soát, cập nhật NDC, Việt Nam hướng tới áp dụng cách tiếp cận tổng thể khi xem xét cam kết của từng ngành cũng như đánh giá các tác động có thể về mặt kinh tế, xã hội của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

 “NDC là đóng góp của quốc gia, nên cần có sự tham gia xem xét kỹ lưỡng của tất cả các bên đóng góp chính; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện đóng góp. Các bên cần hiểu rõ đóng góp của mình là gì; cần chuẩn bị gì để thực hiện đóng góp đó; trách nhiệm thực hiện thế nào sau khi đóng góp đó được thông qua…” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết. Thứ trưởng cũng kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của các Bộ, chính quyền địa phương, đối tác phát triển và các đơn vị khác trong quá trình quan trọng này sẽ kết thúc vào năm 2020 trước COP 26.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường