Văn hóa, du lịch

Việt Nam tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Thứ tư, 7/9/2022 | 14:37 GMT+7
Ngày 6/9, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững".

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng. Việt Nam đã gia nhập UNESCO năm 1976, một năm trước khi Việt Nam trở thành một thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã có tới 8 di sản được ghi danh là di sản thế giới bao gồm: quần thể di tích cố đô Huế, di sản Tràng An; khu di sản phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long Hà Nội.

Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh, mỗi di sản đều góp phần thể hiện bề dày lịch sử, sự giàu có và đa dạng của văn hóa của Việt Nam. Là quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, Việt Nam tiếp tục ghi dấu án trên trường quốc tế với việc thực hiện nỗ lực không hy sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. Điển hình là khu di sản Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên.

Đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, nhất là người phụ nữ. 

Tổng giám đốc UNESCO tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh, cần quan tâm đến bảo tồn di sản, đặc biệt trong bối cạnh biến đổi khí hậu. Bảo tồn là điều kiện tiên quyết, là sự kết nối, lưu giữ giữa quá khứ và tương lai. Cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ở Việt Nam và như mô hình mẫu của Tràng An.

Nhấn mạnh về vai trò của giáo dục, Tổng giám đốc UNESCO hy vọng trong chương trình giáo dục dành cho trẻ em ở Việt Nam sẽ có các nội dung về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu, bảo vệ văn hóa để các em sau này trở thành những người tốt hơn, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói với tôi nhiều về biến đổi khí hậu và họ rất có ý thức về những thách thức đối với việc bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản. Việt Nam cũng đã rất nỗ lực, làm rất nhiều để dung hòa được giữa phát triển kinh tế, du lịch với bảo vệ di sản. Một lần nữa, Tràng An chính là một ví dụ tốt cho nỗ lực đó, bà Audrey Azoulay bày tỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết, Việt Nam nhất quán với quan điểm "lấy con người làm trung tâm" nên việc bảo vệ di sản cũng chính vì lợi ích của con người, nhất là cộng đồng bản địa; luôn đồng hành với các khu di sản trong công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị. Do đó, trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo tồn, duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Gia Linh