Kinh tế xanh

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong phát triển bền vững

Thứ tư, 27/9/2023 | 14:51 GMT+7
Ngày 27/9, tại diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương tổ chức, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ thông tin về đổi mới sáng tạo (ĐMST) xanh trong phát triển bền vững.

Chuyển đổi năng lượng, xanh hóa, giảm phát thải là xu hướng không thể đảo ngược. Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng ứng, tham gia tích cực vào tiến trình trên với việc thực hiện ĐMST xanh. ĐMST xanh là việc cải tiến đối với phần cứng hoặc phần mềm của doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm hoặc quy trình xanh. Bao gồm: đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm, tái chế chất thải, thiết kế các sản phẩm xanh, phát triển các hoạt động quản lý môi trường của doanh nghiệp để thúc đẩy tính bền vững. ĐMST xanh có thể nâng cao hiệu suất của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Thông tin tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, hiện nay, quá trình ĐMST xanh tại các địa phương, doanh nghiệp (DN) ít thay đổi, quy trình, hàm lượng công nghệ thấp; sản phẩm chưa tinh xảo, giá trị gia tăng sản phẩm thấp, tính cạnh tranh thấp; rất ít DN nhỏ và vừa thực sự đổi mới sáng tạo, thực sự xanh; DN không mặn mà với các chương trình/chính sách hỗ trợ do thủ tục rườm rà... Về chính sách, hiện chưa có tiêu chí xác định doanh nghiệp ĐMST, ĐMST xanh; quy trình đăng ký và tiếp cận các hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp còn phức tạp; vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa ở địa phương hoạt động không hiệu quả; thiếu nguồn lực kinh phí và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐMST: hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh trong thúc đẩy áp dụng và phổ biến các công nghệ nhằm giải quyết thách thức trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong khi đó, năng lực tiếp nhận, làm chủ công nghệ của phần lớn doanh nghiệp còn hạn chế; công tác truyền thông chính sách chưa đến được với DN; các quy định về kinh tế tuần hoàn mới dừng lại ở mức độ khung, chưa cụ thể hóa, thiếu dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đó để tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển.

Ông Nguyễn Hoa Cương trình bày về ĐMST xanh tại diễn đàn

Trước thực tế đó, Nhà nước đã có chính sách phát triển thị trường ĐMST xanh bao gồm: chính sách tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn sản phẩm (13 Quy chuẩn Việt Nam, 59 Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường); chính sách về khí hậu (Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; văn bản, quy định hỗ trợ về hiệu quả sử dụng năng lượng); chính sách hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng xanh (Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về mua sắm xanh, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Chương trình Nhãn xanh Việt Nam khuyến khích DN thiết kế và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; Luật Thuế thu nhập DN hiện hành quy định nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN ĐMST, hướng đến tăng trưởng xanh...

Về chính sách hỗ trợ DN khác, Chính phủ có Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn; Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025 tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với DN; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020; Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin...

Tại Việt Nam, hiện có một số chương trình thúc đẩy ĐMST xanh nổi bật như: Green Innovation Fellowship - tìm kiếm, xúc tiến và ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo xanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho DN Việt Nam và khu vực; triển lãm Green Growth Show 2023 - giới thiệu hơn 100 công nghệ của tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp các giải pháp sản xuất, dịch vụ tiết kiệm năng lượng, tái chế nguyên liệu, bảo vệ môi trường; Net Zero Challenge - tìm kiếm giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững; Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam - thiết kế theo hình thức đối tác công tư, hướng tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN nhỏ và vừa) ĐMST xanh...

Các đại biểu tham dự diễn đàn cùng tham gia thảo luận, trao đổi tình trạng chuyển đổi hiện nay, cũng như chỉ ra những thành tựu, khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện, từ đó khuyến khích đưa ra đề xuất, giải pháp để thực hiện hiệu quả ĐMST xanh tại Việt Nam.

Thanh Bảo