Việt Nam và Bỉ trao đổi giải pháp phát triển đô thị bền vững

Thứ tư, 2/4/2025 | 16:07 GMT+7
Các chuyên gia Việt Nam và Bỉ đã vừa trao đổi, chia sẻ những giải pháp sáng tạo nhằm phát triển đô thị linh hoạt, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tại Hà Nội, Cục Xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders (FIT), Vương quốc Bỉ vừa tổ chức hội thảo “Bỉ - Việt Nam: Đối tác trong các giải pháp bền vững - Kiến tạo ngày mai: Tầm nhìn cho các đô thị linh hoạt và bền vững”. Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt nhằm làm nổi bật các cách tiếp cận tiên tiến trong xây dựng bền vững và thiết kế đô thị đồng thời thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các bên liên quan của Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chia sẻ, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 44,3% vào năm 2024. Tuy nhiên, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức bao gồm: áp lực gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên hiệu quả và đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, bền vững. Để giải quyết những vấn đề này, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến là điều kiện tiên quyết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Vương quốc Bỉ được biết đến là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển đô thị thông minh, bền vững với các giải pháp quy hoạch tối ưu, kiến trúc xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên nước hiệu quả và quản lý đô thị linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông qua hội thảo này, chuyên gia hai nước sẽ có những trao đổi sâu sắc về các giải pháp sáng tạo nhằm phát triển đô thị linh hoạt, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao ý tưởng và nỗ lực của Cục Xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders khi tổ chức buổi hội thảo này. Thứ trưởng hy vọng các doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia hai bên sẽ có thêm nhiều sáng kiến thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do bão lụt, nước biển dâng đến hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị; phát triển các tòa nhà/công trình trung hòa năng lượng; mô hình hợp tác giữa chính phủ - khu vực tư nhân - các cơ sở nghiên cứu - cộng đồng trong giải quyết các vấn đề đô thị, góp phần vào việc hiện thực hóa tầm nhìn về các đô thị xanh, thông minh và thích ứng với tương lai.

Các chuyên gia trao đổi về giải pháp phát triển đô thị bền vững

Bà Cieltje Van Achter, Bộ trưởng vùng Flanders chia sẻ, ngành xây dựng của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, với tốc độ bình quân 7 - 8% mỗi năm, phản ánh quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh chóng. Đáng chú ý, đến cuối năm 2024 đã có khoảng 500 công trình được cấp chứng nhận Công trình xanh.

Vùng Flanders - trung tâm đổi mới của Bỉ trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng coi Việt Nam là thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á. Nhiều công ty Flanders đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo bà Cieltje Van Achter, hội thảo là nơi để giới thiệu các sáng kiến từ châu Âu có thể thích ứng với bối cảnh đô thị Việt Nam, từ quy hoạch thành phố xanh đến vật liệu xây dựng ít phát thải. Sáng kiến này cũng nhấn mạnh cam kết của vùng Flanders trong việc hỗ trợ các công ty của mình mở rộng tại Việt Nam đồng thời thúc đẩy sự phát triển có ý thức về môi trường tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Trong phần thảo luận nhóm, các chuyên gia đã trao đổi về hai chủ đề: tính bền vững trong thiết kế đô thị và công trình, vật liệu bền vững. Với chủ đề tính bền vững trong thiết kế đô thị, các chuyên gia đã chia sẻ ý kiến về mô hình thành phố bọt biển; cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển đô thị bền vững; cách tiếp cận, thuyết phục các bên liên quan sử dụng các giải pháp, đầu tư phát triển các hạ tầng trọng yếu để cải thiện cuộc sống cho người dân; sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển đô thị bền vững; khác biệt trong cách tiếp cận giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Các diễn giả cũng cập nhật công nghệ tiên tiến trong quy hoạch, quản lý đô thị; đẩy mạnh sử dụng công nghệ để cảnh báo thiên tại, quản lý và phát triển đô thị bền vững; giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam; chuyển giao kiến thức, kỹ năng và công nghệ về quản lý, phát triển đô thị giữa Bỉ và Việt Nam…

Với chủ đề công trình và vật liệu bền vững, chuyên gia đã trao đổi về nhu cầu quản lý, sử dụng đất thông minh hơn trong phát triển đô thị; vai trò của tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà đối với sự phát triển đô thị bền vững; sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng các tòa nhà; quản lý nước và ứng phó đối với ngập lụt tại đô thị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề cập đến sự thay đổi trong tư duy xây dựng công trình xanh tại Việt Nam; giải pháp để giảm lượng phát thải carbon trong quá trình xây dựng và vận hành các tòa nhà; chiến lược giảm phát thải carbon trong quá trình thiết kế công trình; cải tiến về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng; đảm bảo tính bền vững khi cải tạo các tòa nhà cũ; quy chuẩn, tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh trên thế giới và tại Việt Nam; chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng công trình xanh…

Hải Long (t/h)