Cuộc sống và pháp luật

Xóa bỏ xếp loại hạnh kiểm, danh hiệu học sinh tiên tiến

Thứ bảy, 21/8/2021 | 16:39 GMT+7
NLSVN - Theo Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành giáo dục không xếp loại hạnh kiểm, mà thay vào đó là đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học với 4 mức tốt, khá, đạt, chưa đạt.

Không xếp loại hạnh kiểm

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có hiệu lực từ ngày 5/9/2021, sẽ thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp trung học. Như vậy, năm học 2021-2022, chỉ áp dụng cách đánh giá học sinh mới này với lớp 6.

Không còn danh hiệu học sinh tiên tiến mà thay vào đó sẽ chỉ còn học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Nguồn: ITN.

Một trong những nội dung đáng chú ý của thông tư này là quy định về việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh. Giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Theo đó, thông tư mới không xếp loại hạnh kiểm, mà đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.

Kết quả rèn luyện của học sinh cả năm học sẽ được tính như sau:

Với mức Tốt, học kì II được đánh giá mức Tốt và học kì I được đánh giá từ mức Khá trở lên.

Mức Khá, học kì II được đánh giá mức Khá và học kì I được đánh giá từ mức Đạt trở lên, hay học kì II được đánh giá mức Đạt, học kì I được đánh giá mức Tốt. Hoặc học kì II được đánh giá mức Tốt, học kì I được đánh giá mức Đạt hoặc Chưa đạt.

Ở mức Đạt, học kì II được đánh giá mức Đạt và học kì I được đánh giá mức Khá, Đạt hoặc Chưa đạt, hoặc học kì II được đánh giá mức Khá và học kì I được đánh giá mức Chưa đạt.

Mức Chưa đạt, ở các trường hợp còn lại.

Còn quy định trước đây, là đánh giá và xếp loại hạnh kiểm của học sinh theo các loại: Tốt, khá, trung bình, yếu sau mỗi học kỳ và cả năm học theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, ngày 12/12/2011 của Bộ GD&ĐT.

Việc đánh giá mới này, sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Có thể hiểu, trước đây phải đạt được kiến thức thì nay đã chuyển dần sang kiểu tiếp cận đánh giá năng lực người học. Bởi mỗi con người đều có năng lực tiềm ẩn, có những mặt mạnh khác nhau và cần được ghi nhận.

Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến

Một điểm mới nữa trong Thông tư 22 là việc khen thưởng (tặng giấy khen) cho học sinh. Theo đó, khen thưởng cuối năm học với danh hiệu "học sinh xuất sắc" và “học sinh giỏi”.

Như vậy, theo quy định mới, từ 5/9/2021 không còn danh hiệu học sinh tiên tiến mà thay vào đó sẽ chỉ còn học sinh xuất sắc và học sinh giỏi.

Hiệu trưởng sẽ trao giấy khen cho học sinh giỏi và học sinh xuất sắc, cũng như khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Còn theo quy định cũ, hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh có thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện.

Mặt khác, theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58) thì việc xếp loại học sinh giỏi phải có 1 trong 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên.

Việc này làm cho học sinh dễ định hướng sai, dẫn đến việc học lệch, không chú trọng các môn học khác như Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý,… trong khi mỗi môn đều có tầm quan trọng và nếu học sinh có năng lực cụ thể các môn đều có cơ hội nghề nghiệp ngang nhau.

Chính vì vậy, ở Thông tư 22, điều kiện để được khen thưởng danh hiệu "học sinh xuất sắc", "học sinh giỏi" sẽ không còn yêu cầu điều kiện với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ mà có cả các môn văn hóa khác.

Đoàn Vĩnh