Nông nghiệp sạch

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng tăng 15,5% trong 6 tháng đầu năm

Thứ năm, 3/7/2025 | 15:15 GMT+7
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 33,8 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6. Theo thông tin tại cuộc họp, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 4% với kim ngạch xuất khẩu từ 64 - 65 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thặng dư thương mại đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% cho thấy sức cạnh tranh ngày càng tăng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nếu duy trì tốc độ này, mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD như chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn khả thi.

Về lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lúa gạo 6 tháng đầu năm đạt 22,7 triệu tấn (so với mức 43,5 triệu tấn của cả năm 2024) cho thấy tình hình sản xuất được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 9,18 triệu tấn, tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên thị trường lương thực toàn cầu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 33,8 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ cấu thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang có sự thay đổi rõ rệt. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tương đương nhau, lần lượt chiếm 21,8% và 21,6%. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, Mỹ đạt 7,14 tỷ USD (21,1%), trong khi Trung Quốc giảm còn 5,94 tỷ USD (17,6%). Thị trường Nhật Bản đạt 2,44 tỷ USD (7,2%).

Diễn biến này đòi hỏi điều chỉnh chiến lược xúc tiến và mở rộng thị trường phù hợp. Riêng với các mặt hàng như cà phê, lúa gạo, trái cây, cá tra và tôm, Bộ đang tích cực xúc tiến để mở rộng thị trường, gần nhất là thỏa thuận với Brazil về thịt bò và triển vọng xuất khẩu cá tra, cà phê, lúa sang thị trường tiềm năng này.

Đối với chăn nuôi, quy mô đàn lợn của Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới với mức tăng trưởng 3,8% trong 6 tháng đầu năm. Năm ngoái, sản lượng thịt đạt 8,24 triệu tấn, năm nay dự báo tiếp tục tăng. Sản lượng sữa đạt khoảng 1,25 triệu tấn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi năm 2024 là 5,4%, vẫn thấp hơn mức 5,93% của năm 2022. Đây tiếp tục là trụ cột đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng toàn ngành.

Lĩnh vực thủy sản đạt sản lượng 4,6 triệu tấn, bằng một nửa kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng mới đạt 3,1%, do đó cần dồn lực cho cả hai khu vực Bắc và Nam để đảm bảo đạt mục tiêu 9,6 – 9,7 triệu tấn trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đạt 5,16 tỷ USD. 

Về chiến lược phát triển dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn chính sách, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, triển khai chiến lược phát triển từng ngành hàng, điều chỉnh sản xuất linh hoạt theo tín hiệu thị trường để tránh mất cân đối cung - cầu. Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu nông sản và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, tiềm năng như Trung Quốc, EU, Nhật Bản.

Tiến Đạt