Bất động sản

Dự án khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương): Nguyên đơn đã rút khởi kiện, vì sao Tòa án vẫn chưa đình chỉ?

Chủ nhật, 14/6/2020 | 21:54 GMT+7
Mặc dù người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) là ông Bùi Thế Sơn (sinh năm 1952), Tổng giám đốc công ty đã có đơn gửi TAND quận 7 (TPHCM) từ cuối tháng 5/2020 xin rút lại toàn bộ nội dung đơn khởi kiện đối với dự án khu dân Cư Hòa Lân, thế nhưng đến ngày 12/6/2020, TAND quận 7 vẫn chưa ra quyết định đình chỉ vụ án.

Như Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử đã phản ánh, dự án khu dân cư Hòa Lân thuộc phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Quá trình triển khai dự án, Công ty Thiên Phú đã thế chấp toàn bộ diện tích (490.765,1 m2 đất) dự án để vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn). Do gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ nên Công ty Thiên Phú đã chủ động giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Dự án khu dân cư Hòa Lân

Ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại dự án khu dân cư Hòa Lân với Công ty CP dịch vụ bán đấu giá Nam Sài Gòn.

Ngày 9/7/2015, công ty đấu giá ra thông báo lần 1 thông báo đấu giá tài sản số 25/TB-ĐG giá khởi điểm 1.467.700.000.000 đồng nhưng không có khách hàng nào tham dự. Tiếp sau đó, qua 10 lần tổ chức bán đấu giá, thông báo giảm giá nhưng vẫn không có bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào đăng ký mua...

Ngày 27/03/2017, công ty đấu giá ban hành thông báo đấu giá lần thứ 12 với giá khởi điểm 963 tỷ đồng. Trong phiên đấu giá lần này có 03 công ty tham gia. Cuối cùng ngày 25/05/2017, Công ty Kim Oanh TPHCM trúng đấu giá với giá mua 1.353 tỷ đồng.

Sau phiên đấu giá, ngoài tiền mua tài sản đấu giá, Công ty Kim Oanh TPHCM còn tự bỏ chi phí rất lớn để giải quyết các hậu quả do Công ty Thiên Phú để lại dù không thuộc nghĩa vụ của Công ty Kim Oanh TPHCM.

Tại Công văn 435/NHNoCL-TD ngày 23/10/2018 gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Agribank Chợ Lớn khẳng định: “Ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, Công ty Kim Oanh TPHCM đã chủ động phối hợp với Công ty Thiên Phú, Agribank chi nhánh Chợ Lớn thực hiện những công việc: đàm phán, thỏa thuận, hỗ trợ kinh phí di dời cho 15 hộ kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá mà Công ty Thiên Phú cho mượn, cho thuê trước đây; ký hợp đồng đo vẽ, cắm mốc ranh giới địa chính toàn bộ khu đất; làm việc, đàm phán, thỏa thuận giải quyết khiếu nại và chi trả tiền bồi thường cho gần 20 hộ tái định cư có đất bị thu hồi trong dự án trước đây…”.

Sau đó, Công ty Kim Oanh TPHCM và Agribank Chợ Lớn nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương xin chuyển tên chủ đầu tư dự án Hòa Lân từ công ty Thiên Phú sang Công ty Kim Oanh TPHCM nhưng không được giải quyết.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 7/2018, Công ty Kim Oanh TPHCM gặp tiếp trở ngại đối với dự án Hòa Lân khi Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra toàn bộ quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản dự án Hòa Lân. Sau đó, Thanh tra Bộ Tư pháp đã kết luận kết quả bán đấu giá tài sản của dự án Hòa Lân hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

 Toàn cảnh dự án khu đô thị dịch vụ - thương mại Hòa Lân

Sau khi trúng đấu giá, ngoài việc thanh toán tiền trúng đấu giá cho Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh TPHCM còn phải chi 100 tỷ đồng để khắc phục một số tồn đọng của Công ty Thiên Phú để lại: đóng thuế bổ sung, đền bù tái định cư, di dời các hộ dân trong dự án… Tổng số tiền chi cho dự án Hòa Lân lên đến 1.550 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong các khoản chi cho dự án, Công ty Kim Oanh TPHCM không thể triển khai các bước tiếp theo để sớm thực hiện dự án vì ngày 27/2/2019, Công ty Thiên Phú do ông Bùi Thế Sơn (Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty đã nộp đơn khởi kiện Công ty đấu giá tại TAND quận 7 (TPHCM) yêu cầu hủy hợp đồng đấu giá là dự án khu dân cư Hòa Lân và yêu cầu TAND quận 7 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) đối với toàn bộ diện tích (thể hiện tại quyết định 01/2019/QĐ-BPKKTT ngày 15/3/2019 của TAND quận 7, TPHCM).

Dự án thì không thể triển khai, các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư bị đứng yên, số tiền hơn 1.500 tỷ đồng “treo lơ lửng” không biết khi nào có thể thu hồi và lãi suất từ số tiền mà Công ty Kim Oanh TPHCM vay mượn để đầu tư vào dự án đã tăng lên “chóng mặt” từng ngày khiến doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí còn đứng trước nguy cơ phá sản.

Cần nói rõ thêm, ngày 27/3/2020 người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú là ông Bùi Thế Sơn (Tổng giám đốc) đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong một vụ án khác xảy ra tại Công ty Thiên Phú. Từ khi bị bắt, ông Bùi thế Sơn bị tạm giam tại Trại tạm giam T17 (Bộ Công an).

Ngày 19/5/2020, thông qua Trại tạm giam T17, ông Bùi Thế Sơn với danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú đã chính thức gửi đơn đến TAND quận 7 xin rút toàn bộ nội dung đơn khởi kiện trước đây đối với việc bán đấu giá tài sản là dự án khu dân cư Hòa Lân.

Đơn rút khởi kiện của ông Bùi Thế Sơn

Tuy nhiên, dù đã nhận được đơn rút khởi kiện của ông Bùi Thế Sơn nhưng đến ngày 12/6/2020, TAND quận 7 vẫn chưa ban hành quyết định đình chỉ vụ án theo quy định pháp luật.

Đại diện Công ty Kim Oanh TPHCM cho biết: “Việc TAND quận 7 càng chậm ban hành quyết định bao nhiêu thì càng làm cho doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn bấy nhiêu bởi số tiền trên 1.500 tỷ đồng chúng tôi đã  đầu tư vào dự án Hòa Lân là tiền vay của các tổ chức tín dụng, cũng như tiền góp vốn của nhân viên công ty. Nay dự án bị đình trệ không triển khai được khiến doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa", thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?”.

Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Hoàng Uyên