ASEAN nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trong năm 2022

Thứ hai, 14/3/2022 | 11:57 GMT+7
Năm 2022, với chủ đề là “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”, các quốc gia thành viên trong khối sẽ nỗ lực phục hồi đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường chung.

Theo thống kê, khoảng 20% các loài động, thực vật có xương sống trên hành tinh chỉ được tìm thấy ở khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà không có nơi nào khác trên thế giới có được. ASEAN là khu vực có 4 điểm nóng về đa dạng sinh học, có mức độ đa dạng và phong phú về loài và tính đặc hữu rất cao. Giới chuyên gia cho biết, con số này có thể tiếp tục gia tăng bởi tính riêng trong giai đoạn năm 1994 - 2004, ASEAN đã có hơn 2.200 loài mới.

Mặt khác, là nơi sinh sống của đa dạng các loài động vật hoang dã, ASEAN đã và đang thu được nhiều lợi ích kinh tế nhờ các loài động vật hoang dã khỏe mạnh và phát triển tốt trong khu vực. Cụ thể, các ngành nông nghiệp và nghề trồng hoa tại ASEAN đang ngày càng phát triển nhờ vào gần 5.000 loài cây trồng quan trọng về kinh tế, trong đó có cây lương thực, cây thuốc, cây cảnh, tre, gỗ, cũng như nhiều loại cây khác. Sự xuất hiện của nhiều loài chính đã góp phần quan trọng vào sự phát triển trên, đặc biệt là các loài thụ phấn và phân tán hạt giống, giúp khu vực có thể nhân giống và mở rộng lớp phủ thực vật một cách tự nhiên.

Khối ASEAN nỗ lực phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học

Ngoài ra, động vật hoang dã bản địa cũng góp phần quan trọng cho bản sắc và văn hóa ASEAN. Mối liên hệ mật thiết của khu vực với thiên nhiên đã truyền cảm hứng cho sự hiểu biết chung về trách nhiệm chung trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện các loài và môi trường sống của chúng cũng đang đứng trước áp lực lớn do các mối đe dọa ô nhiễm và săn bắt gia tăng. Theo báo cáo hợp tác năm 2019 về chấm dứt các loài tuyệt chủng trong khu vực ASEAN, nhiều loài ở đây đang bị đe dọa hơn so với các khu vực khác.

Trong báo cáo do Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Ủy ban Hành động vì các loài châu Á (ASAP) thực hiện, các quốc gia thành viên đã và đang thực hiện sáng kiến để cứu động vật hoang dã. Tuy vậy, vẫn cần bảo tồn khoảng 45% các loài động vật có xương sống ở đất liền và trong môi trường nước ngọt ở Đông Nam Á và cần tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài quan trọng này, từ đó đảm bảo hợp tác xuyên ngành và xuyên biên giới. Việc bảo vệ các loài động vật hoang dã quan trọng đòi hỏi sự đầu tư và nghiên cứu sâu về bảo vệ thực địa, chống buôn bán động vật hoang dã, cũng như giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Do đó, để bảo vệ đa dạng sinh học của ASEAN, cần xây dựng chiến lược bảo vệ các hệ sinh thái - nơi cư trú của động vật hoang dã. Chiến lược này sẽ bao gồm việc đảm bảo quản lý và điều hành hiệu quả các khu vực bảo tồn mà Chương trình Vườn di sản ASEAN (AHP) đang thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc thi hành luật pháp, đặc biệt là nghiêm cấm buôn bán động vật hoang dã và thực hiện Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Phương An