Nỗ lực phát triển rừng ven biển, rừng ngập mặn

Thứ sáu, 11/3/2022 | 11:41 GMT+7
Ngày 10/3, tại hội thảo về phát triển rừng ven biển, rừng ngập mặn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo đã phát biểu chỉ đạo một số giải pháp trong bảo vệ, phát triển rừng.

Trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí CO2 tốt nhất, nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền. Tuy nhiên, hiện rừng ven biển, rừng ngập mặn chỉ chiếm tương ứng 3% rừng nhiệt đới truyền thống và 1% tổng diện tích rừng quốc gia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, một trong số những khó khăn trong phát triển rừng ven biển, ngập mặn là chi phí trồng rừng. Cụ thể, theo dự toán của các địa phương có rừng, chi phí trồng 1ha rừng phòng hộ trên đất liền là khoảng 60 triệu đồng, trong khi trồng rừng ngập mặn lên tới 200 triệu đồng, có nơi hơn.

Phát triển rừng ven biển, ngập mặn

Tháng 10/2021, Chính phủ phê duyệt đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đề án nêu rõ, cần xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển. Một số loài cây như mắm, đước, vẹt, bần, dà... đã được ngành lâm nghiệp đưa vào trồng tại nhiều địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2030, đề án đặt mục tiêu trồng mới 20.000ha rừng gồm: 9.800ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 trồng mới 11.000ha.

Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000ha gồm: 6.800ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000ha.

Tuy nhiên, phát triển bền vững rừng ven biển nói riêng và rừng ngập mặn nói chung vẫn là bài toán khó. Bên cạnh nguyên nhân về chi phí, phát triển rừng ven biển còn có rủi ro nhiều lần hơn so với rừng trên cạn; quỹ đất của rừng ven biển thường biến động do chịu sức ép từ quy hoạch của địa phương; tình trạng xâm lấn, phá rừng, nuôi trồng thủy sản diễn ra ở nhiều nơi bởi người dân mưu sinh; một số mô hình hay như nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long chưa có điều kiện phổ biến, nhân rộng. 

Để đạt hiệu quả bền vững, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển, Tổng cục Lâm nghiệp đề ra 3 nhiệm vụ chính. Bao gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan tới rừng ven biển; xây dựng, phát triển, nâng cao giá trị của các mô hình kinh tế trong rừng ven biển, đảm bảo sinh kế cho người dân; thu hút hơn nữa nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực quốc tế để bảo vệ, phát triển rừng ven biển.

Kết luận tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định: Ngành lâm nghiệp cam kết lắng nghe, ghi nhận các ý kiến từ chuyên gia, địa phương và các tổ chức quốc tế. Trước mắt, Tổng cục sẽ rà soát, xác định chính xác quỹ đất cho rừng ven biển, nghiên cứu thêm nhiều giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng ven biển.

Lâm Bảo