Áp dụng công nghệ xử lý Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý chất thải

Thứ sáu, 12/1/2024 | 17:36 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã cùng với Bộ Môi trường Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực và thí điểm áp dụng các công nghệ xử lý trong lĩnh vực quản lý chất thải và 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế).

Cụ thể, tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về quản lý chất thải và 3R lần thứ VI, TS. Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT cho biết, trải qua 5 năm thực hiện cơ chế hợp tác theo hình thức Ủy ban điều phối, các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan của Việt Nam và Nhật Bản đã nỗ lực triển khai được một loạt các hoạt động về hỗ trợ xây dựng chính sách, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực và thí điểm áp dụng các công nghệ xử lý trong lĩnh vực quản lý chất thải và 3R. Thông qua các hoạt động cụ thể được triển khai, Tổng cục Môi trường (trước đây) và các địa phương đã nhận được sự hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ trong những nội dung mà Nhật Bản có thế mạnh.

Theo ông Yoshida Satoshi, Vụ trưởng Vụ Tuần hoàn tài nguyên quốc tế, Bộ Môi trường Nhật Bản, từ khi thành lập Uỷ ban hỗn hợp, Nhật Bản đã hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải tại Việt Nam cũng như các dự án tại địa phương và đạt được những kết quả nhất định như đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, hỗ trợ Bắc Ninh, Bình Dương xây dựng nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng.

Ông Yoshida Satoshi hy vọng trong thời gian tới, Nhật Bản có thể mở rộng hợp tác với các địa phương khác liên quan đến quản lý chất thải; hỗ trợ xây dựng quy định, hướng dẫn tính phí thu gom, xử lý rác thải; tăng cường hơn nữa hoạt động xây dựng chính sách, thực thi chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải, thu hồi năng lượng từ rác thải.

Áp dụng công nghệ xử lý chất thải theo kinh nghiệm Nhật Bản

Tại cuộc họp, hai bên cùng tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả của các hoạt động hợp tác trong năm 2023 và thảo luận, đề xuất các hoạt động dự kiến thực hiện trong năm 2024. Theo đó, cùng thống nhất tiếp tục hợp tác với tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương thực hiện dự án biến rác thải thành năng lượng và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phát triển các dự án biến rác thành năng lượng tại 4 địa phương: Đồng Nai, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Tiền Giang.

Ông Hideki Wada, tư vấn của Bộ Môi trường Nhật Bản đề xuất các hoạt động hợp tác năm 2024 bao gồm quyết định lộ trình xây dựng Hướng dẫn phát triển dự án biến rác thành năng lượng; theo dõi tình hình phân luồng chất thải, xác định khó khăn và chuẩn bị giải pháp của các dự án tại Bắc Ninh; xem xét phí xử lý rác thải đề xuất tại Bình Dương và tổ chức các cuộc họp tiếp theo để thảo luận về các hoạt động hỗ trợ cho 4 địa phương như đề xuất.

Xây dựng kế hoạch thực hiện hợp tác song phương nhằm tăng cường sự tuần hoàn đối với chất thải điện tử như thúc đẩy phát triển môi trường thuận lợi, bao gồm các quy định, hướng dẫn, tiêu chuẩn, giám sát và các cơ chế thực thi liên quan đến EPR dựa trên các kinh nghiệm thực tế của Nhật Bản trước đây; tăng cường năng lực về thực thi tái chế chất thải điện tử thông qua các khóa đào tạo tại Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác giữadoanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Nguyễn Thành Lam đề xuất, thời gian tới, hai bên cần phối hợp trong việc hoàn thiện chính sách, quy định về CTRSH, trong đó ưu tiên xây dựng và ban hành Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH, quy chuẩn bãi chôn lấp CTRSH. Hoàn thiện nội dung quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý CTRSH; hỗ trợ triển khai công tác phân loại CTRSH, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, giới thiệu công nghệ xử lý CTRSH; đề xuất mô hình tái chế, xử lý CTRSH kết hợp thu hồi năng lương phù hợp với các vùng kinh tế sinh thái.

Minh Khang (T/H)