Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Thứ sáu, 11/7/2025 | 15:26 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có Quyết định 2616/QĐ-BNNMT ngày 9/7/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của kế hoạch là triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định nội dung trọng tâm, nguồn lực và lộ trình thực hiện các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện những chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch và việc sử dụng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Kế hoạch nêu một số nhiệm vụ trọng tâm như về phân vùng môi trường: thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật trên cơ sở hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường trong kỳ quy hoạch theo quy định tại điều 23 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 6/1/2025 của Chính phủ)…

Thực hiện kế hoạch và lộ trình đối với định hướng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: thành lập mới, củng cố, mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong thành lập, quản lý và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực bảo tồn đa dạng sinh học tự nguyện.

Quản lý hiệu quả, phát triển bền vững hệ thống rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học... để nâng cao năng lực hấp thu, lưu trữ carbon hướng tới mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050 và tham gia thị trường carbon

Quản lý hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và các khu vực khác để nâng cao năng lực hấp thu và lưu trữ carbon hướng tới mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050 và tham gia thị trường carbon.

Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, mặt nước, mặt biển…

Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch và lộ trình hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.

Thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh: rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường; duy trì vận hành và đầu tư mở rộng đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục; thực hiện các chương trình quan trắc định kỳ. Đầu tư, nâng cấp các phòng thí nghiệm, các trạm quan trắc chất lượng môi trường trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; quản lý, chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc môi trường hướng tới phục vụ cho mục tiêu cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường và các nội dung của kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh; thực hiện những giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Kế hoạch nêu một số giải pháp thực hiện như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư tài chính; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Tiến Đạt