Việt Nam cần nguồn tài chính khoảng 9 tỷ USD để đạt được các mục tiêu giảm nhựa

Thứ năm, 10/7/2025 | 10:50 GMT+7
Để đạt được các mục tiêu giảm nhựa như giảm hơn 43% nhựa rò rỉ vào năm 2030 và đạt mức giảm 75% rác thải nhựa ra biển, Việt Nam cần nguồn tài chính khoảng 8 – 9 tỷ USD trong 5 năm tới.

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam tổ chức Hội thảo Nhóm công tác triển khai NPAP Việt Nam lần thứ 6.

Tại hội thảo, đại diện KPMG (một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia “đóng góp” lớn vào ô nhiễm nhựa đại dương trong thời gian qua.

Theo ước tính của WB, năm 2018, Việt Nam thải khoảng 3,7 triệu tấn rác nhựa, dự báo đến năm 2030 con số này là 7,6 triệu tấn. Chỉ có 0,4 triệu tấn trong số này được tái chế, trong khi hầu hết nhựa bị đốt cháy, đổ hoặc chôn lấp.

Theo ước tính của KPMG, để đạt được các mục tiêu giảm nhựa như giảm hơn 43% nhựa rò rỉ vào năm 2030 và đạt mức giảm 75% rác thải nhựa ra biển, Việt Nam cần nguồn tài chính khoảng 8 – 9 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong đó, 2 – 2,5 tỷ USD phục vụ việc giảm, thay thế nhựa ở đầu nguồn; 1,4 – 2 tỷ USD cho thu thập, phân loại; 2,8 – 3,4 tỷ USD cho tái chế; khoảng 1 tỷ USD cho các biện pháp can thiệp; 700 – 900 triệu USD cho biện pháp xử lý cuối cùng.

Nhóm nghiên cứu nhận định, sau khi trừ đi các khoản đóng góp từ Chính phủ, hợp tác đa phương, song phương, doanh nghiệp tư nhân thì nguồn tiền thiếu hụt khoảng 6 – 7 tỷ USD.

Cần hợp tác để giải quyết những thách thức ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng

Để có nguồn bổ sung, nhóm chuyên gia đưa ra 6 khuyến nghị cho Việt Nam: cải cách và tối ưu hóa khung trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất; tăng cường tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng; thúc đẩy đầu tư cho đổi mới trong nhựa tái chế và nhựa thay thế; chính thức hóa và hỗ trợ khu vực phi chính thức; thiết lập hệ sinh thái tái chế có thể mở rộng thông qua các cụm công nghiệp; tăng cường quản lý chất thải đô thị và nông thôn.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng thời là Phó trưởng Nhóm công tác chia sẻ, kể từ khi ra mắt năm 2020, NPAP Việt Nam đã kết nối hơn 200 tổ chức và hỗ trợ trên 160 dự án giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Sáng kiến này đã thúc đẩy hơn 570 giải pháp sáng tạo, huy động tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ này đã góp phần định hình và lồng ghép nguyên tắc bao trùm vào các chính sách của Việt Nam.

Với vai trò chủ trì Chương trình NPAP tại Việt Nam, UNDP Việt Nam tiếp tục cam kết thúc đẩy nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể, được thiết lập dựa trên hợp tác chính thức giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Đồng thời, hỗ trợ hoạt động của Nhóm đối tác trong giai đoạn nửa sau của năm 2025 để hiện thực hóa những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.

Ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Trưởng đoàn Việt Nam tại vòng đàm phán INC-5.2 cho biết, đây là thời điểm then chốt để Việt Nam chủ động định hình các đề xuất phù hợp điều kiện trong nước, đồng thời phát huy vai trò là thành viên tích cực của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Sự kiện là điểm tiếp nối cho cam kết trong việc giải quyết những thách thức ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng thông qua trách nhiệm chung, cũng như huy động nguồn lực và các giải pháp chính sách. Bên cạnh đó, NPAP là cầu nối các bên liên quan củng cố chuyên môn, chia sẻ quan điểm và liên kết các biện pháp can thiệp để đạt được những mục tiêu quan trọng bao gồm giảm 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030, loại bỏ nhựa dùng một lần ở các tỉnh ven biển và triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) trên toàn quốc.

Tại sự kiện, Hội nghị Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP Việt Nam lần thứ 6 chính thức công bố Nhóm kỹ thuật Chính sách, một cơ chế được thiết kế thúc đẩy tính thống nhất giữa các khuôn khổ pháp lý liên quan đến hành động về nhựa và tính tuần hoàn.

Nhóm kỹ thuật quy tụ 15 thành viên là các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và đối tác phát triển. Hoạt động của nhóm sẽ củng cố nền tảng chính sách cần thiết cho những thay đổi dài hạn, mang tính hệ thống và đóng góp cho cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững.

Nhã Quyên (t/h)