Bất động sản

Bản tin bất động sản số 13/2020

Thứ bảy, 25/4/2020 | 15:52 GMT+7
Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 nhưng lĩnh vực kinh doanh bất động sản Việt vẫn thu hút nhà đầu tư ngoại.

Bất động sản Việt vẫn hút nhà đầu tư ngoại

Theo báo cáo của Công ty Savills Việt Nam, do ảnh hưởng dịch Covid-19, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) nhà ở chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn bởi các lệnh cấm du khách nhập cảnh, làm gián đoạn việc khảo sát và thực hiện các giao dịch của khách nước ngoài, trong đó lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Tuy nhiên, các nhà phát triển BĐS vẫn đang chuẩn bị nhiều dự án mới để đáp ứng nhu cầu khi mức cầu phục hồi với kỳ vọng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá BĐS còn thấp.

BĐS Việt vẫn thu hút nhà đầu tư ngoại. (Ảnh: Internet)

Theo Savills Việt Nam, tiềm năng M&A trong lĩnh vực này còn khá lớn. Thời gian qua, thị trường BĐS chứng kiến khá nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án từ các chủ đầu tư đang gặp khó khăn. Từ 2019 đến nay, một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn 500 triệu USD. Quý I/2020, Tập đoàn Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate thông báo giao dịch mua 80% cổ phần của dự án Grand Park giai đoạn 2 với diện tích khoảng 26ha, được dự kiến phát triển hơn 10.000 căn hộ chung cư tại TPHCM.

Xử lý tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi UBND TP Đà Lạt về việc xử lý hành vi vi phạm lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt.

Theo phản ánh của cơ quan chức năng và nhân dân, thời gian qua, TP Đà Lạt để xảy ra tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép được cấp tại các phường, xã (đặc biệt là khu vực đường Hà Huy Tập, Bà Triệu, Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa…). Việc khắc phục hậu quả theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân chưa triệt để, ảnh hưởng tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác quản lý trật tự đô thị.

Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi xây dựng nhà, công trình không có giấy phép, sai phép, tỉnh Lâm Đồng đề nghị TP Đà Lạt khẩn trương yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai phép trước ngày 20/5/2020. Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành thì thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục thực hiện cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 30/5/2020.

Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng xây dựng không phép, sai phép đối với nhiều công trình ở TP Đà Lạt. Nhiều công trình thuộc các dự án du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn không có giấy phép hoặc xây sai phép hàng ngàn mét vuông.

Công trình xây dựng không có giấy phép đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, đang chờ cưỡng chế. (Ảnh: Đoàn Kiên)

Theo UBND TP Đà Lạt, trong tháng 5, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế đối với một loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Đồng Nai: Đất ở đô thị tăng 2.000 ha so với năm 2014

Ngày 23/4, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với Ban chỉ đạo kiểm kê đất đai tỉnh về kết quả thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh Đồng Nai năm 2019. Đến nay, Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành kiểm kê đất đai ở ba cấp xã, huyện, tỉnh.

Đất ở đô thị tại Đồng Nai đang tăng theo thời gian. (Ảnh minh họa)

Theo kết quả kiểm kê, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.362 ha, giảm hơn 3,4 ngàn ha so với kiểm kê năm 2014. Nguyên nhân biến động chủ yếu là do thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa Đồng Nai và TPHCM theo Nghị quyết 114/NQ-CP. Cụ thể là điều chỉnh khu vực Cù lao Gò Gia ở huyện Nhơn Trạch về cho TPHCM và tính lại diện tích theo diện tích giải tích (tính theo khoanh bao các loại đất) theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các loại đất trồng lúa, cây lâu năm, rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng, đất ở, chuyên dùng, quốc phòng... có nhiều biến động do việc kiểm kê lại đất đai có những thay đổi theo quy định của trung ương. Trong đó, đất trồng lúa giảm, đất trồng cây lâu năm tăng cao, đất rừng sản xuất, phòng hộ, giảm. Tuy nhiên, đất ở đô thị tăng hơn 2.000 ha so với kiểm kê năm 2014 vì thời gian qua nhiều xã trên địa bàn tỉnh chuyển thành phường.

Chậm tiến độ, một dự án của Công ty Sài Gòn Mũi Né tại Bình Thuận bị thu hồi

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định số 896/QĐ-UBND về việc thu hồi đất đã cho công ty CP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Mũi Né (Công ty Sài Gòn Mũi Né) thuê để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi tại phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết

Theo đó, quyết định thu hồi gần 2,9 ha đất đã cho công ty Sài Gòn Mũi Né thuê để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi tại TP Phan Thiết. Lý do là dự án này thuộc trường hợp chậm triển khai, đã có quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án từ năm 2017.

Cũng theo quyết định, UBND phường Hàm Tiến có trách nhiệm giao quyết định thu hồi đất cho công ty Sài Gòn Mũi Né. Trường hợp công ty không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản, niêm yết quyết định này tại trụ sở UBND phường.

Đối với phần diện tích gần 2,9 ha đất đồi đã giao mà chưa được sử dụng do UBND phường Hàm Tiến quản lý, sẽ được Trung tâm phát triển quỹ đất TP Phan Thiết tiến hành đo đạc, triển khai các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Đối với 465 m2 đất trồng cây lâu năm do công ty Sài Gòn Mũi Né nhận chuyển nhượng của hộ dân để thực hiện dự án, công ty tiếp tục sử dụng theo hiện trạng và mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm.

Hưng Yên xây khu nhà ở Hưng Thịnh Phát

UBND tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt đồ án lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu nhà ở Hưng Thịnh Phát tại thị trấn Văn Giang và xã Cửu Cao, huyện Văn Giang. Theo đó, tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 5ha, trong đó diện tích lập quy hoạch chi tiết khoảng 3,8ha. Dân số dự kiến khoảng 900 người. Về cơ cấu sử dụng đất, dự án có 20.285m2 đất ở, 16.756m2 đất ở liền kề, 3.528m2 đất biệt thự, 2.190m2 đất thương mại dịch vụ và gần 16000m2 đất giao thông.

Khu nhà ở rộng 5ha ở huyện Văn Giang, Hưng Yên

Theo phê duyệt, việc lập quy hoạch dự án nhằm đề xuất giải pháp quy hoạch khu đô thị có kiến trúc hiện đại, không gian chức năng đô thị phù hợp, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, có giá trị cao về kiến trúc cảnh quan, môi trường sinh thái thuộc khu vực trung tâm huyện. Đồng thời, làm căn cứ để quản lý đầu tư xây dựng và triển khai thiết kế cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục công trình khác.

Để xây dựng dự án, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên yêu cầu chủ đầu tư – công ty CP Hưng Thịnh Phát Group phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Văn Giang công bố quy hoạch, xác định chỉ giới xây dựng làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo của dự án, quản lý xây dựng theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Mạnh Tưởng (t/h)